Phân biệt say nắng với đột quỵ khi trời nóng bức
Khi tiếp xúc với nắng nóng quá lâu, cơ thể mất nước, nhiệt độ tăng lên dẫn tới tình trạng say nắng với biểu hiện chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, rối loạn ý thức.
Dấu hiệu say nắng
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, cả nước đều nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ lúc 13h phổ biến 38-41 độ C, có nơi trên 41 độ C như: Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi... độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 30-35%. Các nơi khác thuộc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nhiệt độ lúc 13h phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm thấp nhất 50-55%.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Chi - nguyên Trưởng khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, cơ thể chúng ta có cơ chế điều hòa thân nhiệt, nhiệt độ cân bằng là 37 độ C. Thời tiết nắng nóng kéo dài tăng nguy cơ say nắng (sốc nhiệt) và đột quỵ não.
Say nắng thường xuất hiện ở người phải làm việc, di chuyển ngoài trời. Tiếp xúc nhiệt độ môi trường cao trong thời gian dài tăng nguy cơ sốc nhiệt, tổn thương thần kinh. Biểu hiện là người nóng lên kèm các rối loạn như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn ý thức.
Để sơ cứu một người say nắng, theo bác sĩ Chi, người xung quanh đưa nạn nhân vào chỗ mát và làm mát bằng quạt, nới lỏng quần áo. Nếu người bệnh tỉnh táo, bạn cho uống nước, lấy khăn lau, dùng mọi biện pháp để giảm thân nhiệt xuống. Sau đó, bạn nên liên hệ với cơ sở y tế gần nhất, trung tâm cấp cứu 115 để được hỗ trợ.
Khác biệt giữa đột quỵ và say nắng
Các dấu hiệu của đột quỵ não đột ngột, không cần tiếp xúc với nắng nóng. Đột quỵ não xảy ra khi 1 nhánh mạch máu tắc hoặc vỡ dẫn tới các dấu hiệu thần kinh khu trú.
Triệu chứng của đột quỵ: Méo miệng, mặt lệch về một bên, nói khó (không nói được hoặc nói không tròn vành rõ chữ), yếu liệt nửa người (mất cảm giác hoặc tê). Một số trường hợp mờ mắt, mất thăng bằng đột ngột.
Nếu người bệnh có triệu chứng đột quỵ, người xung quanh cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất. Không cho người bệnh uống nước, sữa, thuốc. Bệnh nhân cần nhanh chóng đến bệnh viện, nếu trong giờ vàng (trước 4,5 giờ) có thể hồi phục nhanh chóng.
Bác sĩ Chi cảnh báo thêm, nhiệt độ cao làm tăng nguy cơ đột quỵ ở những người có yếu tố tăng huyết áp, rối loạn đông máu. Do cơ thể mất nước nhiều hơn qua mồ hôi, chất khoáng và mất thể tích máu trong lòng mạch dễ dẫn tới cô đặc, hình thành cục máu đông, nguy cơ nhồi máu não tăng.
Những người có nguy cơ say nắng
Theo bác sĩ Chi, 4 nhóm người cần thận trọng trong trời nắng:
- Người làm việc ngoài trời: Nông dân, công nhân, thợ điện, người đi xe đạp, xe máy ngoài đường.
- Người có bệnh mạn tính: Các trường hợp tăng huyết áp, đái tháo đường, hẹp mạch vành, bệnh hô hấp mạn tính. Các thay đổi bất thường của thời tiết tăng các biến cố sức khỏe nguy hiểm cho họ.
- Người già: Những người này thường khó nhận biết dấu hiệu cơ thể mất nước. Nếu không bổ sung nước đầy đủ, họ dễ bị say nắng hơn.
- Trẻ em: Trẻ chưa ý thức được thay đổi thời tiết, nếu chơi ngoài trời quá lâu có thể dẫn tới say nắng.
Để phòng tránh sốc nhiệt, bác sĩ Chi khuyến cáo người dân ra ngoài trời luôn đội mũ, sử dụng kem chống nắng, duy trì độ ẩm cơ thể bằng cách uống đủ nước, để sẵn nước, đường bên cạnh bổ sung kịp thời. Trời nắng, bạn hạn chế uống rượu và caffeine vì hai đồ uống này dễ làm cơ thể mất nước.
Người già, trẻ em, bệnh nhân tăng huyết áp cần chú ý đến việc chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong phòng lạnh.
Mọi người luôn uống đủ nước, 70% cơ thể là nước, thiếu hụt nước gây ra các rối loạn điện giải nguy hiểm cho sức khỏe. Tốt nhất, bạn nên uống nước lọc, bổ sung các loại nước trái cây, nước canh.
>> Thời tiết cả nước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: Nắng nóng gay gắt, có nơi lên đến 40 độ C
Nhiều trẻ nhỏ, người già được “giải cứu” khỏi nắng nóng trên cao tốc Pháp Vân
Ba thói quen uống nước gây hại cho cơ thể vào ngày nắng nóng