Sáng 11/7, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ Quý III năm 2023.
Nhìn lại kết quả những tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (-13,29%), giảm 484 người chết (-14,45%), giảm 214 người bị thương (-5,81%).
43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 8 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Ninh Bình. Đặc biệt các địa phương như Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người chết do tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, số người chết do tai nạn giao thông tại các thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tại Bình Dương và Tiền Giang cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỷ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá, tình hình giao thông trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, đơn vị đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp toàn dân trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các địa phương có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn trên cả nước ở 3 tiêu chí. Đây là kết quả hết sức tích cực dù nhu cầu vận tải, đi lại của người dân tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đánh giá cao công tác triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông của lực lượng Công an đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ ở 63 tỉnh, thành phố Trung ương. Bộ trưởng cho rằng, một giải pháp nếu làm quyết liệt sẽ góp phần rất lớn giúp giảm tai nạn giao thông một cách bền vững, đồng thời hình thành thói quen, văn hóa trong người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, tai nạn giao thông kéo giảm, nhưng vẫn là các con số lớn, nhiều vụ nghiêm trọng. Văn hóa giao thông chưa được trọn vẹn. Việc giảm quyết ùn tắc tại các đô thị lớn còn nhiều khó khăn, tác động đến sự phát triển kinh tế, xã hôi. "Chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong xã hội” - ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị, địa phương nhìn thẳng vào yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân, đồng thời đưa ra các giải pháp khả thi hơn nữa nhằm kéo giảm, đảm bảo an toàn trật tự giao thông.
Bộ trưởng lưu ý các bộ, ban ngành, địa phương chú trọng thực hiện một số giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi, như: Hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông. “Các giải pháp cần làm quyết liệt, bền bỉ để kéo giảm tai nạn giao thông bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh lồng ghép mục tiêu và các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông trong các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, tỉnh, nghiên cứu triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, chống ùn tắc ngay từ khi tổ chức thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực giao thông vận tải...
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian tới cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả những giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong quý III; phấn đấu đạt cho được mục tiêu năm 2023 là kéo giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí ít nhất là 5% so với năm 2022 ở mỗi địa phương.
4 người trong gia đình ở Hà Nội tử vong: Xót cảnh nạn nhân ôm chặt nhau dưới mương
Hà Nội có 555 người ra đường không thể trở về trong 10 tháng qua