Chung tay cùng các cơ quan, tổ chức để giảm thiểu nguy cơ lừa đảo trực tuyến, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia dự kiến sẽ cho ra mắt phần mềm chống lừa đảo vào khoảng giữa năm 2024.
Nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và ra mắt phần mềm chống lừa đảo để giảm thiểu nguy cơ lừa đảo trên không gian mạng là một nội dung hoạt động trong kế hoạch năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia.
Nhiệm vụ này đã được Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia giao Ban Thư ký Hiệp hội phụ trách, với các đơn vị trực tiếp thực hiện là Ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ & Hợp tác quốc tế và Văn phòng Hiệp hội.
Những năm trở lại đây, khi Việt Nam đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đưa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chuyển dịch hoạt động lên môi trường mạng, các thách thức an toàn, an ninh mạng, trong đó có lừa đảo trực tuyến cũng đã và đang gia tăng mạnh.
Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, chỉ tính trong 11 tháng đầu năm nay, hệ thống tiếp nhận thông tin cảnh báo do Cục quản lý, vận hành đã nhận được hơn 15.900 phản ánh về trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam gửi đến; trong đó có tới trên 91% cảnh báo liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Theo phân tích của các chuyên gia, SIM rác, tài khoản ngân hàng rác tràn lan, dữ liệu cá nhân bị lộ lọt cùng với sự phổ biến của công nghệ mới như DeepFake đã kéo theo hàng loạt vụ việc lừa đảo trực tuyến xảy ra trong năm 2023. Kẻ xấu dựa vào dữ liệu có được, dựng lên các kịch bản dành riêng cho từng mục tiêu, đồng thời sử dụng DeepFake để giả mạo hình ảnh, giọng nói, khiến cho nạn nhân rất khó phát hiện.
Thống kê cho thấy, có tới hơn 24 hình thức lừa đảo khác nhau, trong đó nổi bật nhất là lừa “việc nhẹ, lương cao”, lừa đầu tư chứng khoán, đầu tư ngoại hối lãi khủng, giả mạo người thân, bạn bè gặp tai nạn, giả mạo công an, cán bộ thuế lừa cài app giả mạo chiếm quyền điều khiển điện thoại. Nhiều trường hợp nạn nhân đã bị mất những khoản tiền rất lớn, lên đến cả tỷ đồng.
Các chuyên gia cũng dự báo rằng, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, xu hướng tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xoay quanh các sự kiện nóng, nổi bật và ứng dụng giả mạo. Các nhóm tin tặc cũng sẽ ngày càng sáng tạo hơn trong việc thiết kế chiến lược lừa đảo. Các chiến lược này có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để tạo ra thông điệp và trang web giả mạo mà khó phân biệt với các thông điệp và trang web chính thức.
Chia sẻ với VietNamNet, các chuyên gia bảo mật cũng cho rằng, một trong những giải pháp chống lừa đảo hiệu quả là cung cấp ứng dụng chống lừa đảo cho người dân cài trên điện thoại cá nhân. Bởi lẽ, thực tế cho thấy, hầu hết các hình thức lừa đảo hiện nay đều nhắm đến người dùng điện thoại thông minh. Từ các cuộc gọi rác, tin nhắn rác đến các ứng dụng giả mạo chiếm quyền điện thoại đều diễn ra trên điện thoại.
Việc triển khai giải pháp sử dụng ứng dụng chống lừa đảo chính là ‘dùng công nghệ để đấu lại công nghệ’. Theo phân tích của một chuyên gia lâu năm trong ngành, ứng dụng chống lừa đảo có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết hợp với các cơ sở dữ liệu về số điện thoại lừa đảo để phát hiện, cảnh báo cho người dùng khi có cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo gửi đến điện thoại người dùng.
Cùng với đó, ứng dụng chống lừa đảo cũng sẽ hoạt động như một giải pháp giám sát, phát hiện ra các ứng dụng giả mạo, cài từ nguồn không đảm bảo, phát hiện những phần mềm truy cập vào dữ liệu người dùng hay có khả năng theo dõi, nghe lén, điều khiển điện thoại. Nhờ đó người dùng có thể tránh được phần lớn các tấn công lừa đảo hiện nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, giải pháp công nghệ sẽ mang tính hỗ trợ, chứ không phải là tất cả. Vì thế, việc tăng cường quản lý, giám sát và xử phạt từ cơ quan quản lý; đồng thời nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng phòng chống lừa đảo trực tuyến cho người dùng Internet là những giải pháp quan trọng.
Trên thực tế, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm cả những giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và các biện pháp kỹ thuật, để góp phần từng bước đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam.
Chia sẻ tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2023 diễn ra cuối tháng 11, đại diện lãnh đạo Cục An toàn thông tin cho biết, để bảo vệ người dân trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã thiết lập Cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia, có kết nối, tích hợp với các trình duyệt, công cụ tìm kiếm, các giải pháp an toàn thông tin mạng và hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia.
Theo thống kê, trong 11 tháng đầu năm nay, các hệ thống kỹ thuật đã chặn 3.369 website vi phạm, trong đó có 972 website lừa đảo; nhờ vậy, đã bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.
Cùng với đó, chiến dịch ‘Tháng hành động tuyên truyền và nhận diện phòng chống lừa đảo trực tuyến’ được Cục An toàn thông tin chủ trì triển khai hồi tháng 7/2023 đã có được sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương; 108 cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội; cùng những người có sức ảnh hưởng giúp phủ sóng thông tin rộng rãi trên không gian mạng. “Với sự chung tay này, chiến dịch đã thực sự lan tỏa rộng khắp trong xã hội”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.
Trong năm 2024, ngoài việc thúc đẩy mạnh mẽ các chiến dịch tuyên truyền, Cục An toàn thông tin cũng sẽ khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương sử dụng tối đa các hệ thống thông tin cơ sở, các Tổ công nghệ số cộng đồng để tuyên truyền nhận thức, kỹ năng cho người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng xa, từ đó giúp họ phòng tránh việc bị lừa đảo trên không gian mạng.
3 thủ đoạn lừa đảo phổ biến tuần qua trên không gian mạng Việt Nam
Xuất hiện chiêu lừa mua vé ‘Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai’ và ‘Anh Trai Say Hi’