Phát hiện loại vi khuẩn trong khoang miệng làm ung thư phải 'tan chảy'
Các chuyên gia hy vọng phát hiện này sẽ giúp phát triển phương pháp điều trị bệnh ung thư trong tương lai.
Một phát hiện gây chấn động đã được các nhà khoa học tại Đại học King's College London công bố: Vi khuẩn Fusobacterium, vốn thường được tìm thấy trong khoang miệng, có khả năng tiêu diệt một số loại tế bào ung thư.
Theo nghiên cứu, loại vi khuẩn này dường như đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và nâng cao khả năng phục hồi của bệnh nhân ung thư đầu và cổ. Nhiều nhà nghiên cứu cũng đang tìm hiểu thêm về cơ chế sinh học chính xác của vấn đề này. Tác giả của nghiên cứu - ông Miguel Reis Ferreira đã lên tiếng: "Về bản chất, chúng tôi thấy rằng khi bạn tìm thấy những loại vi khuẩn này ở bệnh nhân ung thư đầu và cổ, họ có kết quả điều trị tốt hơn nhiều. Một điều khác mà chúng tôi phát hiện ra là trong nuôi cấy tế bào, loại vi khuẩn này có khả năng tiêu diệt khối u.
Nghiên cứu cho thấy những vi khuẩn này đóng vai trò phức tạp hơn so với những gì đã biết trước đây, trong mối quan hệ của chúng với ung thư. Về cơ bản chúng làm tan chảy các tế bào ung thư đầu và cổ. Tuy nhiên, phát hiện này cần được cân bằng với vai trò đã biết của chúng trong việc khiến các loại ung thư như ung thư ruột trở nên tồi tệ hơn".
Nghiên cứu này bao gồm hai giai đoạn chính là xác định loại vi khuẩn mục tiêu và phân tích tác động của chúng lên tế bào ung thư cả trong điều kiện phòng thí nghiệm và trên dữ liệu lâm sàng của 155 bệnh nhân ung thư đầu và cổ được lấy từ Cơ sở dữ liệu Bản đồ Gene ung thư của Mỹ.
Các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm để kiểm tra tác động của vi khuẩn Fusobacterium lên tế bào ung thư. Kết quả thu được cho thấy khối u gần như biến mất, điều này đã khiến các nhà nghiên cứu vô cùng bất ngờ.
Phát hiện này mở ra một hướng đi mới trong điều trị một số loại ung thư. Những bệnh nhân có vi khuẩn fusobacterium có tỷ lệ sống sót cao hơn so với những người khác. Loại vi khuẩn này cũng làm giảm 65% tử vong ở người. Việc xác định được vai trò của vi khuẩn Fusobacterium trong việc cải thiện tỷ lệ sống sót có thể giúp các nhà khoa học phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân ung thư miệng, họng, thanh quản, mũi và xoang.