Xã hội

Phát hiện tàn tích hành tinh có kích thước bằng sao Hỏa ẩn trong Trái đất: Là dấu tích từ vụ va chạm hàng tỷ năm trước

Mộng Kha 27/09/2024 23:45

Các dữ liệu địa vật lý xác định chúng nằm ở đáy lớp phủ, ngay phía trên lõi ngoài của Trái đất.

Vào năm 2023, các nhà khoa học Mỹ đã công bố bằng chứng cho thấy tàn tích của một hành tinh khác tồn tại bên trong Trái đất có thể đã thúc đẩy quá trình kiến tạo mảng.

Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters, hành tinh này được cho là Theia, với phần còn sót lại chưa tan vỡ hoàn toàn, tạo thành những “đốm màu” đặc biệt. Các dữ liệu địa vật lý xác định chúng nằm ở đáy lớp phủ, ngay phía trên lõi ngoài của Trái đất.

Theia là một hành tinh giả thuyết có kích thước tương đương sao Hỏa, từng va chạm với Trái đất sơ khai khoảng 4,5 tỷ năm trước. Vụ va chạm này đã khiến cả hai hành tinh vỡ tan, phần lớn vật chất của Theia trộn lẫn vào Trái đất, trong khi một phần nhỏ bay vào quỹ đạo và dần kết tụ lại, hình thành Mặt Trăng.

Ảnh đồ họa với nửa trái là vụ va chạm Trái đất - Theia trong quá khứ (Ảnh: Internet)

Ảnh đồ họa với nửa trái là vụ va chạm Trái đất - Theia trong quá khứ (Ảnh: Internet)

Các "đốm màu" từ Theia, gọi là LLVP (Large Low Shear Velocity Provinces), là các vùng có vận tốc sóng địa chấn di chuyển chậm hơn bình thường. Nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ California (Caltech) sử dụng mô hình máy tính để khám phá tác động của LLVP đối với lớp vỏ Trái đất trong hàng triệu năm qua.

Theo tóm tắt trên PHYS, các mô hình này cho thấy khoảng 200 triệu năm sau khi va chạm, LLVP đã tạo ra những luồng nhiệt mạnh kéo dài từ lõi đến bề mặt Trái đất. Quá trình này khiến một số phần bề mặt chìm xuống, hình thành hiện tượng hút chìm. Hút chìm này đã gây ra các đứt gãy trên bề mặt, tạo ra các ranh giới của mảng kiến tạo ngày nay.

Tàn tích của hành tinh giả thuyết Theia (Ảnh: Mingming Li/ Đại học Arizona)

Tàn tích của hành tinh giả thuyết Theia (Ảnh: Mingming Li/ Đại học Arizona)

Mảng kiến tạo là những mảnh vỏ Trái đất, với ước tính có khoảng hơn 20 mảng lớn nhỏ liên tục dịch chuyển. Một số mảng chìm xuống do hiện tượng hút chìm, trong khi các mảng khác đè lên nhau. Các mảng này mang theo lục địa và đại dương trên lưng, đóng vai trò chính trong việc tạo thành và phân tách siêu lục địa qua các thời kỳ địa chất.

Quá trình kiến tạo mảng không chỉ định hình bề mặt Trái đất mà còn là nguyên nhân chính của các hiện tượng địa chất như động đất, núi lửa, sự hình thành núi và đáy đại dương mới.

Nhóm nghiên cứu tin rằng mô hình của họ có thể giải thích lý do tại sao một số khoáng chất cổ xưa trên Trái đất lại có dấu hiệu của quá trình hút chìm.

>> Trái Đất sắp có thêm một tiểu ‘mặt trăng’ trong tháng này

Ngày 17/9, tiểu hành tinh 'có khả năng gây nguy hiểm', kích cỡ ngang tòa nhà chọc trời sẽ lao qua Trái Đất với vận tốc gần 32.000km/h

Lộ diện một hành tinh có kích thước gần bằng Trái Đất, có khả năng hỗ trợ sự sống cao nhất từ trước đến nay

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/phat-hien-tan-tich-hanh-tinh-co-kich-thuoc-bang-sao-hoa-an-trong-trai-dat-la-dau-tich-tu-vu-va-cham-hang-ty-nam-truoc-d134061.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện tàn tích hành tinh có kích thước bằng sao Hỏa ẩn trong Trái đất: Là dấu tích từ vụ va chạm hàng tỷ năm trước
POWERED BY ONECMS & INTECH