Vĩ mô

Phát triển công trình xanh tại Hà Nội: thúc đẩy từ chính sách tới hành động

Thành Luân11/10/2024 07:15

Có thể thấy, tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn. Trong đó, công trình xanh là yếu tố cốt lõi cùng với hạ tầng đô thị thông minh giúp phát triển đô thị bền vững.

Những chính sách cần thiết

Tại khuôn khổ Diễn đàn: “Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và Giải pháp”, được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn nhận định, việc phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là tất yếu. Trong đó, công trình xanh là yếu tố cốt lõi giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình phát triển đô thị đối với môi trường.

Các công trình được thiết kế để tối ưu hóa sử dụng năng lượng và tài nguyên tự nhiên, thông qua việc ứng dụng vật liệu thân thiện môi trường, áp dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính. Đặc biệt, phát triển không gian xanh trong công trình giúp cải thiện vi khí hậu, tạo không gian sống trong lành, nâng cao sức khỏe cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, phát triển công trình xanh và hạ tầng đô thị thông minh là nhiệm vụ chiến lược, đưa Hà Nội trở thành Thành phố Xanh - Thông minh - Hiện đại, xứng tầm với vị thế Thủ đô.

Xây dựng công trình xanh, hạ tầng đô thị để phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Tuấn Anh
Xây dựng công trình xanh, hạ tầng đô thị để phát triển Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Ảnh: Tuấn Anh

Để phát triển công trình xanh, hạ tầng thông minh, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng giúp phát triển bền vững Thủ đô. Cụ thể, tại Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP Hà Nội ngày 13/10/2020 đã đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố Xanh - Thông minh - Hiện đại. Nghị quyết tập trung vào việc phát triển và mở rộng diện tích cây xanh, bảo đảm các công trình xây dựng phải tuân thủ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.

Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21/8/2023 của UBND TP Hà Nội được ban hành nhằm triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển đô thị bền vững đặt mục tiêu đến năm 2030.

Quyết định số 4281/QĐ-UBND ngày 28/8/2023 của UBND TP Hà Nội đưa ra một số yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể về phát triển công trình xanh; xây dựng cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng, giảm thiểu tác động môi trường cùng với đó tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, chú trọng xây dựng những quy định, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững với nhiều công trình xanh.

Những hoạt động cụ thể

TS.KTS Tạ Quốc Thắng - Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh, một trong các yếu tố nền tảng để phát triển công trình xanh là công tác quy hoạch - kiến trúc đô thị hướng tới phát triển xanh và bền vững tạo đà cho xu hướng phát triển công trình xanh tại Việt Nam. Xu hướng thiết kế kiến trúc xanh đã giúp nền kiến trúc Việt Nam hình thành một số công trình tiêu biểu, tạo tiền đề phát triển công trình xanh.

Trong đó, tại Hà Nội có Trường liên cấp Genesis (quận Tây Hồ); Trường Quốc tế Concordia (Đông Anh); tòa nhà chung cư Dophin Plaza (quận Nam Từ Liêm); tòa nhà trụ sở Liên Hợp quốc ở Việt Nam; Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, tổ hợp công nghệ cao và Trung tâm R&D Samsung (quận Bắc Từ Liêm); dự án Ecohome3 (quận Nam Từ Liêm).

Với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm phát triển Thủ đô Hà Nội thành một đô thị xanh, thông minh và bền vững, theo đại diện Sở Công Thương, hưởng ứng chương trình hành động Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các mục tiêu đã được đặt ra cụ thể.

Trong đó, phấn đấu mức tiết kiệm năng lượng toàn TP đạt 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng; giảm mức tổn thất điện năng xuống thấp hơn 4% và công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh cho 330 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn TP.

Về phát triển đô thị xanh - thông minh, các dự án xây dựng mới phải dành ít nhất 20% diện tích cho không gian xanh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển đô thị và bảo vệ môi trường. Phát triển hệ thống giao thông xanh với quy hoạch 15 tuyến đường sắt đô thị, với mục tiêu hoàn thành 96,8km vào năm 2030 và tổng chiều dài 616,9km vào năm 2045. Phấn đấu đạt 12 - 14m2 cây xanh/người vào năm 2030.

Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng mô hình BIM trong công trình xây dựng, đào tạo, tập huấn nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các đơn vị quản lý, chủ đầu tư. Qua đó giúp các bên liên quan chủ động ứng dụng BIM vào quá trình triển khai thực hiện các dự án bằng việc chấp thuận áp dụng mô hình đối với 8 dự án, trong đó có 4 dự án cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới.

Ngoài ra, để khuyến khích phát triển công trình xanh, đại diện Sở Công Thương cho biết, Hà Nội đang triển khai chương trình công nhận danh hiệu năng lượng xanh cho các cơ sở công nghiệp và công trình xây dựng. Đây là hướng đi đúng, thể hiện quyết tâm của TP trong việc thúc đẩy hoạt động phát triển bền vững nói chung.

TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam nhìn nhận, trong thực tế, chưa có hệ tiêu chí nào bắt buộc chuyển đổi xanh công trình xây dựng từ quy định chung của Nhà nước. Việc đăng ký đạt chuẩn công trình xanh được áp dụng và công nhận từ bộ tiêu chí đánh giá nào là do chủ đầu tư tự thực hiện. Việt Nam đang có tốc độ đô thị hình thành với tỷ lệ về số lượng trong top đầu thế giới (đến năm 2024 đã có đến 902 đô thị), tốc độ đô thị hóa khá nhanh.

Chuyển đổi xanh trong xây dựng cần được thực hiện từ quy hoạch tổng thể đến từng công trình đơn lẻ. Điều này bao gồm việc sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu năng lượng không tái tạo, giảm phát thải carbon qua việc dùng vật liệu thân thiện môi trường, và thúc đẩy sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.

"Chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng. Việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ với công trình, tổ hợp công trình hình thành mới hoặc hình thành từ trước khi chuyển đổi xanh" - TS.KTS Phan Đăng Sơn cho biết.

Trước đây, chuyển đổi xanh chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Ngày nay, khu vực nông thôn đang phát triển tự phát và thiếu bài bản, chuyển nhanh từ “xanh” sang “xám”, do vậy, chuyển đổi xanh ở vùng nông thôn cũng trở nên quan trọng không kém gì đô thị.

TS.KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội KTS Việt Nam

>> Gần 400 công trình tại Việt Nam đạt chứng chỉ xanh, lĩnh vực nào nhiều nhất?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài: Phát huy sức mạnh đoàn kết xây dựng Thủ đô giàu đẹp

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Hà Nội phải xứng tầm Thủ đô trong kỷ nguyên phát triển mới

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/phat-trien-cong-trinh-xanh-tai-ha-noi-thuc-day-tu-chinh-sach-toi-hanh-dong.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Phát triển công trình xanh tại Hà Nội: thúc đẩy từ chính sách tới hành động
POWERED BY ONECMS & INTECH