Xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội: Hạn chế xây công trình văn hóa hoành tráng chỉ sử dụng đôi lần/năm

Linh Chi 09/10/2024 - 10:06

Theo thông tin từ Nhân dân, tại Phiên họp thứ 38 vào sáng 8/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về chủ trương đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Tập trung vào văn hóa để phát triển bền vững

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết Ủy ban đã nhất trí với việc ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng một số mục tiêu vẫn thiếu tính khả thi.

Trong số đó, mục tiêu đến năm 2030 yêu cầu 100% đơn vị hoạt động văn hóa, nghệ thuật thực hiện chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi số chưa đồng đều, cần xem xét tính khả thi giữa hiện trạng và mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến. Ảnh: Duy Linh/Báo Nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến. Ảnh: Duy Linh/Báo Nhân dân

Một mục tiêu khác là đến năm 2030, 100% học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân có cơ hội tiếp cận và tham gia hiệu quả vào các hoạt động giáo dục nghệ thuật và di sản văn hóa. Tuy nhiên, học sinh ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và dân tộc thiểu số thường gặp khó khăn trong việc tham gia các hoạt động này, do đó mục tiêu này cũng cần được xem xét lại.

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đánh giá rằng nếu đạt được những mục tiêu trên, việc đầu tư thêm là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác giải ngân trong lĩnh vực văn hóa gặp nhiều khó khăn, bởi yêu cầu cao và tính phức tạp của các dự án. Nếu bố trí vốn lớn mà không giải ngân được sẽ là vấn đề nghiêm trọng, nhất là khi đất nước đang triển khai nhiều dự án lớn.

Ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh rằng Chương trình còn khá dàn trải. Mặc dù việc phát triển văn hóa rất quan trọng, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cần phải tập trung vào những trọng tâm, trọng điểm, đồng thời giảm thiểu các công trình lớn và hoành tráng để tránh lãng phí.

Dự kiến huy động hơn 256 nghìn tỷ đồng để thực hiện Chương trình

Trình bày Tờ trình tóm tắt Quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình), Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Chương trình sẽ được triển khai trên toàn quốc và tại những quốc gia có mối quan hệ văn hóa sâu sắc với Việt Nam, nơi có nhiều người Việt sinh sống và làm việc. Nguồn lực sẽ được ưu tiên cho các nhiệm vụ trọng điểm theo các nhóm mục tiêu đã được xác định.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Duy Linh/Báo Nhân dân

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Duy Linh/Báo Nhân dân

Chương trình tập trung vào nhiều lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật như bảo tồn di sản văn hóa, phát triển văn hóa cơ sở, nghệ thuật biểu diễn, văn học, mỹ thuật và nhiếp ảnh, điện ảnh, thư viện, giáo dục văn hóa, đào tạo, văn hóa dân tộc, văn hóa đối ngoại và công nghiệp văn hóa. Theo tờ trình của Chính phủ, Chương trình đặt ra 7 mục tiêu tổng thể và 18 mục tiêu cụ thể cho hai giai đoạn 2030 và 2035.

Với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 256 nghìn tỷ đồng, Chương trình sẽ được triển khai trong 11 năm, từ 2025 đến 2035, chia thành các giai đoạn cụ thể:

Năm 2025: Tập trung xây dựng cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, chuẩn bị cho các nhiệm vụ đầu tư và quản lý.

Năm 2026-2030: Giải quyết các vấn đề tồn tại và thách thức, đồng thời triển khai các mục tiêu đã đề ra cho đến năm 2030.

Năm 2031-2035: Tiếp tục phát triển văn hóa Việt Nam theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, biến văn hóa thành động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2035.

>>Bộ Văn hóa: Vấn đề quốc phục chưa nhận được sự đồng thuận

Thi trực tuyến tìm hiểu sách về văn hóa của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nghiên cứu mô hình 'không tiền mà làm được hay' trong phát triển văn hóa

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/pho-chu-tich-quoc-hoi-han-che-xay-cong-trinh-van-hoa-hoanh-trang-chi-su-dung-doi-lan-nam-d135421.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phó Chủ tịch Quốc hội: Hạn chế xây công trình văn hóa hoành tráng chỉ sử dụng đôi lần/năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH