Phụ nữ Vân Thị cố giữ nghề đan cót
Làng Vân Thị nằm ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, còn được biết đến với tên gọi làng Hối Cót bởi danh tiếng làm nghề đan cót, một nghề phổ biến ở vùng nông thôn Bắc Bộ xưa kia, nhưng nay số lao động thủ công trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay…
Nhắc đến Ninh Bình, nhiều người nghĩ ngay đến di sản Tràng An, danh thắng Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính linh thiêng nhưng chắc hẳn đâu đó người ta vẫn sẽ gợi nhớ đến làng nghề đan cót Vân Thị từng nức tiếng một thời. Đây luôn được xem là một trong những làng nghề đan cót lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam. Vào những thập niên 70 đến 90, làng Hối Cót có trên 500 hộ làm nghề đan cót. Thời điểm cực thịnh, mỗi ngày thôn Vân Thị sản xuất được hàng nghìn tấm cót cung ứng cho người dân sinh sống trong và ngoài xã.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, chẳng ai còn nhớ nghề đan cót ở thôn Vân Thị có từ bao giờ, nhưng ước chừng nó cũng đã tồn tại ở nơi đây trên trăm năm. Với mỗi người dân ở làng Hối Cót, đan cót không chỉ là một cái nghề truyền thống lâu năm của ông cha truyền lại, mà đây còn là một hình thức sinh hoạt xóm làng, gắn kết cộng đồng. Điều đặc biệt riêng có ở làng Hối Cót là người dân không làm nghề một cách đơn lẻ, họ thường tụ tập quây quần, cùng nhau ngồi đan cót trên cả con đường chạy dọc vào làng.
Thời xưa, cót được sử dụng vào rất nhiều việc và được xem là một vật phẩm thiết yếu, gắn chặt với mọi mặt đời sống của bà con nông dân. Tấm cót không chỉ được sử dụng trong hoạt động xây dựng như làm trần nhà, vách ngăn, phên cửa còn được sử dụng để quây lúa, làm bồ đựng thóc, hay nhỏ nhất là chiếc gầu dây tát nước hay cái quạt cầm tay cho người nông dân.
“Trước đây, vùng quê chúng tôi còn rất nghèo, làm bếp, làm nhà, chúng tôi thường dùng tấm cót được nẹp tre, nẹp nứa để chắn cửa số, hay ngăn lối ra vào. Sau này khi nông thôn phát triển, đổi mới hơn thời kỳ kiến thiết, những vật dụng này được sử dụng trong xây dựng để đổ mái nhà. Bên cạnh đó, khi chưa có hòm xiểng, hòm gỗ, hòm tôn như bây giờ, tất cả những sản phẩm nông nghiệp thu được mỗi mùa vụ hay trong những ngày giáp hạt cũng đều được đựng trong tấm cót này”, bà Nguyễn Thị Huấn, 62 tuổi, một người dân làng Vân Thị chia sẻ.
Trước đây, bà con trong làng đan cót không kể sớm tối, cứ khi có thời gian rảnh rỗi là họ sẽ đan lúc đó. Nghề đan cót cũng giống như những nghề đan lát thủ công truyền thống khác, ở chỗ tận dụng được thời gian nhàn rỗi, phù hợp với nhiều đối tượng, trong những độ tuổi lao động khác nhau. Với người dân làng Vân Thị, những người sinh sống bằng nghề nông là chủ yếu, đan cót chính là “nghề tay trái” của họ. Mỗi ngày, một người dân lành nghề có thể đan được 5-7 lá cót, song những ai khéo léo, nhanh tay, họ thậm chí còn có thể đan được đến cả chục lá cót.
Quy trình để làm ra một tấm cót có rất nhiều công đoạn phức tạp, đòi hỏi người làm phải có sự cần cù, kiên trì và khéo tay, bởi làm nhanh làm ẩu, thành phẩm cho ra sẽ bị rách, bị hở và không đảm bảo được chất lượng. Người làm ban đầu sẽ phải chọn mua cây nứa “bánh tẻ” (ý chỉ những cây không quá già, cũng không quá non của người dân trong làng), sau đó chặt thành những ống nứa rồi pha thành những thanh nhỏ khoảng hai phân. Sau đó, những thanh nứa này sẽ được ngâm trong khoảng từ 3 – 5 ngày rồi phơi khô, trước khi được chẻ thành nan mỏng, dùng để đan thành cót.
“Vào thời ngày xưa, có những quãng, người làng Vân Thị chỉ sống bằng nghề đan cót này. Dù quá trình làm có nhiều công đoạn phức tạp, song chỉ bằng cái nghề ấy mà người làng chúng tôi có thể nuôi con học đại học. Chính nghề đan cót này đã giúp cho thôn xóm nơi đây được thay da đổi thịt, đời sống bà con nhân dân trong làng được cải thiện hơn rất nhiều”, bà Phạm Thị Nhung, 47 tuổi, một người dân làng Vân Thị hiện vẫn đang gắn bó với nghề đan cót, cho biết.
Dù từng được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận danh hiệu làng nghề vào năm 2007 nhưng đến nay việc duy trì nghề đan cót truyền thống ở làng Vân Thị vẫn đang đứng trước nguy cơ bị mai một, khi phải đối mặt với nhiều thách thức.
Hiện nay, người dân duy trì nghề đan cót trong làng sẽ gửi thành phẩm làm ra đi các đơn vị thu mua xuất khẩu. Công việc giờ có nhàn hơn bởi họ chỉ cần nhận phụ liệu như lứa vầu, nan vầu từ hợp tác xã rồi đan cót, chứ không cần làm mọi công đoạn như trước đây, nhưng tấm cót làm ra không còn đạt được chất lượng như xưa kia. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều loại sản phẩm mới, việc tiêu thụ ngày càng khó khăn, giá trị ngày công lao động cũng đã bị giảm xuống rất thấp.
“Do nhân công thấp, thành thử ra giờ người dân làng Vân Thị đan cót cũng có phần ẩu hơn, không còn cầu kì như trước, khiến cho chất lượng sản phẩm cũng có phần “xuống sắc” hơn. Giờ làm hàng xuất khẩu có nan chẻ bằng máy, nhưng dù gì cũng không đều như chúng tôi làm thủ công. Tự tay làm tất tần tật mọi công đoạn, tuy có vất vả hơn và kém năng suất hơn, nhưng thành phẩm cho ra đạt chất lượng tốt hơn nhiều”, cô Nhung chia sẻ. “Tấm cót ngày xưa đẹp lắm!”.
Bên cạnh đó, người dân làng Vân Thị gắn bó với nghề đan cót giờ chủ yếu là những người ở độ tuổi trung niên, nhiều lao động trong độ tuổi không còn muốn gắn bó với nghề truyền thống của làng bởi thu nhập không thể đủ trang trải cuộc sống. Họ lựa chọn tìm kiếm công việc khác có thu nhập ổn định hơn ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
“Người trẻ trong làng Vân Thị đều biết đan cót cả. Thế nhưng, chọn sống bằng cái nghề này thì không thanh niên nào chịu theo đâu, bởi quy trình cho ra thành phẩm sau cùng nhiều công đoạn phức tạp, mà thu nhập kinh tế giờ rất thấp. Giờ người dân trong làng đan cót để gửi đi xuất khẩu là chủ yếu. Nhưng như tôi một ngày cũng chỉ đan được 4 lá cót, mỗi lá đan mất khoảng tiếng rưỡi mà tiền công chỉ được 17.000 đồng/lá, tính ra thu nhập chỉ chưa đến 70.000 đồng mỗi ngày”, bà Nhung giãi bày.
Với những người dân thôn Vân Thị còn gắn bó với công việc đan cót truyền thống của làng như bà Huấn, bà Nhung, có lẽ thu nhập không phải là tất cả những gì níu giữ họ ở lại với nghề, mà hơn hết đó là tình yêu và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống nơi làng quê mình.