Công bố Đề án nghiên cứu giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An
Ngày 28/10, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tổ chức hội nghị công bố Đề án nghiên cứu về giá trị kinh tế Quần thể danh thắng Tràng An.
Tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Chủ nhiệm đề án, nhấn mạnh: Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào năm 2014, điều này không chỉ khẳng định bản sắc quốc gia và lòng tự hào dân tộc mà còn thúc đẩy chủ quyền quốc gia. Để phát huy giá trị di sản, cần kết nối các cộng đồng và xây dựng niềm tin chung thông qua việc thúc đẩy du lịch di sản, củng cố bản sắc dân tộc, hướng tới phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ.
Đại biểu thực địa tại Di sản Tràng An, Ninh Bình. |
Đề án sẽ đánh giá tổng thể di sản Tràng An sau 10 năm được công nhận, thông qua 4 nhánh nghiên cứu: Di sản tự nhiên; Di sản văn hóa; Di sản định cư và Kinh tế du lịch. Đề án cũng sẽ lượng giá giá trị thương hiệu - kinh tế của các địa điểm và công trình đại diện, nhằm bảo tồn và khai thác du lịch hiệu quả.
Các đại biểu tham dự lễ công bố. Ảnh: CTV. |
Bên cạnh đó, Đề án sẽ cung cấp số liệu để định hướng chính sách, nhằm thúc đẩy kinh tế du lịch và phát triển đô thị di sản trong bối cảnh đô thị hóa tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục cũng cho biết, Đề án sẽ trả lời các câu hỏi về giá trị kinh tế của di sản, từ đó định lượng giá trị để nâng cao giá trị thương hiệu Tràng An - Hoa Lư. Đề án được thực hiện bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo tính khoa học và chính xác.
Các đại biểu tham dự lễ công bố. Ảnh: CTV. |
Kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở cho các chính sách, chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của Quần thể danh thắng Tràng An, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa và thiên nhiên độc đáo.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, Bùi Văn Mạnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định lượng giá trị kinh tế của di sản trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa. Ông kêu gọi các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương hợp tác chặt chẽ trong việc bảo tồn và phát triển bền vững di sản, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ di sản.
Nhiều đại biểu hoan hỉ khi đến với Quần thể Danh thắng Tràng An. Ảnh: Dương AK. |
Ông cũng đề nghị Văn phòng UNESCO và các chuyên gia quốc tế phối hợp với Sở Du lịch để triển khai Đề án và hướng tới xây dựng Tuyên bố Tràng An hoặc Hiến chương về Di sản Thế giới.
Trước hội nghị, đoàn đại biểu UNESCO đã tham quan Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An.
Hội nghị có sự tham gia của đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; đồng chí Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO; và ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội.
Đại diện cho các tổ chức quốc tế, hội nghị còn có sự góp mặt của các chuyên gia từ Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trường Khoa học liên ngành & Nghệ thuật cùng các đại biểu từ sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố.