Xã hội

Phù sa bãi Giữa...

Nhật Anh 17/11/2024 - 12:43

Trong lòng người Hà Nội, sông Hồng mãi như dải lụa mềm mại vắt qua TP. Trên dải lụa duyên dáng đó, bãi Giữa như một “hòn đảo”, còn các bãi ven sông như những “thảm xanh” thanh bình và tươi mát chạy dọc ký ức cho đến ngày hôm nay.

Dải lụa đó, trong kỳ vọng của người Hà thành, sẽ còn rực rỡ hơn khi nơi này được “biến hóa” thành công viên văn hóa đa chức năng.

Vệt phù sa quệt ngang ký ức

Suốt dọc chiều dài sông Hồng đi qua nhiều tỉnh, TP, có rất nhiều bãi bồi lớn nhỏ được phù sa đắp bồi ở giữa dòng. Nhưng lớn nhất và đi vào sách sử là bãi Giữa vắt qua các phường Tứ Liên, Yên Phụ, Chương Dương… - cái bãi bồi chia đôi dòng nước để rồi từ đó sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có thêm tên nữa là Nhị Hà.

Mỗi thập kỷ đi qua, sông Hồng lại đổi dòng một lần, mỗi lần như thế bên lở lại thành bên bồi và ngược lại, song chỉ làm thay đổi dạng hình của bãi Giữa chứ không làm bãi bồi biến mất. Bãi Giữa như vĩnh cửu, mà số phận thì chìm nổi cùng Thăng Long - Hà Nội cả nghìn năm.

Tôi đã từng được ông bạn sinh ra và lớn lên ở phố Chương Dương Độ kể chuyện bãi Giữa ngày xưa: đấy là thế giới tự nhiên của lau lách và chim chóc, một bãi ngô rộng mênh mông xen những luống đậu xanh dài hút mắt. Ở đấy có thể thấy từng trái đậu đen vặn mình nổ tanh tách trên sân cát nóng, văng tung ra những hạt đậu đen bóng; thấy những tổ dế đổ bao nhiêu nước cũng không vừa bởi cát khô thấm hết…

Bãi Giữa như vệt phù sa đỏ tươi còn ướt vẫn quệt ngang ký ức người Hà Nội bao nhiêu thế hệ.

Sông Hồng và bãi giữa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Sông Hồng và bãi giữa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều năm trở lại đây, do thượng nguồn sông Hồng xuất hiện các công trình thủy điện lớn nhỏ nên con sông chở nặng phù sa, quanh năm nước đỏ, không còn phải gánh gồng nhiều trận lũ làm xói lở đất bãi. Sông con phía trong dần bị bồi lắng thành những ao hồ đứt đoạn trên dòng chảy cũ, khiến bãi Giữa ngày càng gắn kết vào bãi ngoài đê nội thành.

Ngày trước để sang bãi Giữa, phải lên cầu Long Biên, qua sông con rồi xuống bãi bằng cây cầu thang thép từ thời Pháp. Giờ thì người Hà Nội có thể sang bãi bằng nhiều lối, chẳng lụy đến cầu: lối ngõ 172 đường Âu Cơ, lối đường Tứ Liên kéo dài, lối ngõ 76 đường An Dương.

Bãi Giữa thuộc địa phận phường Tứ Liên, Yên Phụ vẫn như xưa với những vườn chuối thẳng hàng ngay lối xen lẫn các vườn quất, đào bên đường trục; còn cả những ruộng đậu, ruộng rau xanh mướt…

Bãi Giữa thuộc địa phận phường Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương thì có vẻ đô thị hơn khi thấp thoáng những khu biệt thự, những khu nhà vườn… Giờ ở bãi Giữa, còn có cả chợ phiên họp ngày Chủ nhật, đủ cả cây giống đến vịt quay… Và nơi đây, đã gần một thế kỷ trôi qua, vẫn cứ là một bến bơi tự nhiên cho người trẻ ghé đến.

Đã mấy năm nay, Hà Nội ấp ủ ý tưởng xây dựng bãi Giữa và bãi ven sông Hồng thành không gian công cộng, không gian sáng tạo đặc trưng, trong đó bãi Giữa sẽ là công viên văn hóa đa năng giữa đôi dòng chảy sông Hồng. Đây là một ý tưởng thật hay, bởi khi đó bãi Giữa sẽ trở thành một cù lao xanh, một vùng đệm hiền hòa, như tấm bình phong thiên nhiên chắn che hướng Bắc cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Mong chờ những không gian sáng tạo

Để hiện thực hóa ý tưởng về những không gian sáng tạo ven sông Hồng, người ta đã đo đếm kỹ lưỡng và thấy, bãi Giữa khoảng 328ha cùng bãi ven sông Hồng (từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo) khoảng 63,2ha nằm trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. UBND TP Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng chỉ đạo tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bài Giữa và ven sông Hồng”.

Nhà quản lý TP hy vọng, thông qua cuộc thi sẽ chọn lựa được các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để khai thác không gian đặc biệt này của Thủ đô theo hướng bền vững, sáng tạo, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.

Đúng nghĩa vệt phù sa quệt ngang ký ức, bãi bồi sông Hồng luôn ở trong lòng Hà Nội và người Hà Nội. Thế nên vừa khởi động, cuộc thi ý tưởng làm đẹp không gian ấy đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia văn hóa, quy hoạch và cộng đồng thiết kế. Giới làm nghề còn tha thiết biết bao với thảm xanh hiếm có giữa lòng Hà Nội ấy khi cho rằng: không gian ven sông Hồng rất rộng và còn nguyên sơ với hệ sinh thái phong phú, do đó không nên “công viên hóa” kiên cố với mật độ xây dựng dày đặc, mà cần phân chia các khu vực theo chức năng để giảm tác động đến môi trường tự nhiên. Người yêu Hà Nội lúc nào cũng hiểu và trân trọng từng đặc tính của mảnh đất nghìn năm là thế!

Giải thưởng có hạn, nhưng tình yêu Hà Nội là vô hạn, bởi các phương án đặt ra cho bãi bồi gửi đến Hội đồng thi tuyển đều thể hiện những nghiên cứu sâu sắc, tinh thần sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tế rõ nét. Ở đó, sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại; góp phần thúc đẩy các hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, hướng tới hình thành các không gian xanh, an toàn, tiện tích, các không gian nền tảng tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt là “tầm nhìn” về cơ hội thu hút các nhà đầu tư, khởi nghiệp, nhằm phát triển các giá trị văn hóa - lịch sử trong hình thành mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội, mà còn cho cả nước.

Phải ghi nhận, đây là bước chân mới trên hành trình khai thác các giá trị không gian ven sông Hồng - vùng xanh quý báu giữa lòng đô thị. Dù các phương án sẽ còn tiếp tục nghiên cứu để có thể triển khai khả thi và thuyết phục trong chặng đường tiếp theo, song đã thể hiện quyết tâm hiện thực hóa định hướng sông Hồng là trục phát triển xanh đã được khẳng định trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Hà Nội đã hoàn thiện.

Phù sa vẫn không ngừng bồi đắp nơi bãi bồi sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Lòng người Hà thành thế hệ nào cũng vậy, không ngừng dành một góc yêu thương cho sông Hồng, cho bãi Giữa và những bãi bồi cận kề cầu Long Biên cổ kính.

Hơn thế, bãi Giữa và các bãi ven sông bây giờ rất gần không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, kết nối với nhiều địa danh lịch sử quận Ba Đình và các làng hoa ở hai quận Tây Hồ, Long Biên. Chắc chắn, nếu được quy hoạch đồng bộ với phát triển giao thông, công viên văn hóa ở bãi giữa sông Hồng sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống người dân mà còn góp phần thu hút du khách trong nước và quốc tế, quảng bá hình ảnh Hà Nội - thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

>> Tiến độ tuyến đường đi qua 18 xã của tỉnh trung tâm phía Nam Đồng bằng sông Hồng thẳng tới gần biển Đông

Việt Nam chuẩn bị có cao tốc gần 20.000 tỷ nối hai tỉnh đồng bằng sông Hồng, dài hơn 60km với 23 cây cầu

Ngỡ ngàng vườn hoa cúc bướm 'nhuộm vàng' bãi giữa sông Hồng

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/phu-sa-bai-giua.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phù sa bãi Giữa...
    POWERED BY ONECMS & INTECH