PMI xoay quanh 50 điểm: “Tăng trưởng kinh tế chưa thể khởi sắc”

02-05-2024 11:25|Khúc Văn

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới, trong năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, tăng trưởng GDP dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%.

Tốc độ phục hồi chậm, thiếu sự đồng đều ở một số ngành

Dữ liệu từ S&P Global, trong tháng 3, chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã giảm về 49,9 điểm sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2. PMI tháng 4 đạt 51,7 điểm. Với mức điểm này, trung bình chỉ số PMI của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình của ASEAN là 51,5 điểm. Đồng thời, thấp hơn ba quốc gia Singapore, Indonesia và Philippines nhưng cao hơn Thái Lan, Malaysia và Myanmar.

Tổng cục Thống kê dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế (Ảnh minh hoạ)
Trung bình chỉ số PMI của Việt Nam thấp hơn so với mức trung bình của ASEAN là 51,5 điểm.

Cũng trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới, tổ chức này cho rằng, chỉ số PMI của Việt Nam vẫn chỉ xoay quanh mốc 50 điểm, đây là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa thể khởi sắc.

“Chỉ số PMI của Việt Nam xoay quanh mốc 50 điểm cho thấy sự bất định trong ngắn hạn. Chủ yếu liên quan đến diễn biến của hoạt động xuất khẩu chưa có nhiều khởi sắc, cho thấy xuất hiện sự hứa hẹn nhất định cho hoạt động xuất khẩu nhưng phục hồi còn chậm và thiếu sự đồng đều ở một số tiểu ngành”, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới nhận định.

Cùng nhìn nhận về dữ liệu này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết, chỉ số PMI của Việt Nam sau khi cải thiện nhẹ trong hai tháng đầu năm trên ngưỡng 50 điểm nhưng tháng 3 lại giảm về 49,9 điểm cho thấy mức phục hồi của tăng trưởng trong nền kinh tế hoặc ngành công nghiệp vẫn chưa thật vững chắc.

Nguyên nhân là bởi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm, trong khi tình trạng nhu cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào tăng chậm hơn và giá bán hàng giảm.

Hơn nữa, chỉ số PMI của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình của ASEAN cũng chứng tỏ, ngoài rào cản liên quan đến xu hướng kinh doanh mới như tín chỉ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, các sản phẩm trong nước cũng khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng khác ở các nước trong khu vực.

>>Quốc gia châu Á tham vọng tăng trưởng 8% trong suốt hàng chục năm, GDP tăng gấp 6 lần

Tận dụng FTA thế hệ mới

Từ cuối tháng 11/2023 tới nay, nhờ sự tăng trưởng trở lại của hoạt động xuất nhập khẩu khiến khu vực sản xuất công nghiệp có sự hồi phục mạnh mẽ và tác động tích cực chỉ số PMI nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, theo dự báo của Ngân hàng thế giới, trong năm nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chững lại năm thứ 3 liên tiếp, tăng trưởng GDP dự kiến giảm từ mức 2,6% trong năm 2023 xuống còn 2,4%.

PMI xoay quanh 50 điểm: “Tăng trưởng kinh tế chưa thể khởi sắc”
Tận dụng FTA thế hệ mới.

Trong đó, 3 nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng thấp hơn năm trước, nhu cầu về hàng hóa từ các thị trường này có thể giảm xuống. Song, đây lại là 3 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến triển vọng xuất khẩu năm nay của nước ta.

PGS. TS Phạm Thế Anh - Trưởng Khoa Kinh tế học Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để kinh tế khởi sắc trong năm 2024 không thể chỉ trông chờ vào đầu tư công mà còn phải khơi thông lại được nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân, cũng là động lực chính cho tăng trưởng năm nay.

Muốn vậy, vấn đề cốt lõi là phải lấy lại được niềm tin của khu vực tư nhân với môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn.

Cùng với đó, nhằm cải thiện chỉ số PMI của Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, trong ngắn hạn, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, và tích cực tham gia vào tham gia vào các Đối tác chiến lược – Đối tác toàn diện với các nước sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Về dài hạn, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu như cải cách thể chế của Nhà nước, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, kĩ năng của người lao động, cơ sở hạ tầng, chí phí logistics,… kể cả trong xu hướng giảm và phục hồi của nền kinh tế.

Mặt khác, theo ông Việt, dù là một lợi thế của kinh tế Việt Nam, nhưng nếu không giữ được ổn định kinh tế vĩ mô thời gian tới thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, chắc chắc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói chung và sản xuất trong nước nói riêng.

Nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng đưa ra gợi ý, các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam cần hiệu chỉnh phù hợp với bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước. Trong đó, thúc đẩy đầu tư công để phục hồi kinh tế trong ngắn hạn là vấn đề cần quan tâm. Đầu tư công phải chú trọng vào những dự án có tác động lan toả đến tăng trưởng, ví dụ hạ tầng giao thông, logistics, những dự án này sẽ có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phục hồi trong dài hạn.

>>UOB: GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2024

Ngành sản xuất có thêm động lực tăng trưởng ngay từ đầu năm

Công nghệ ‘xanh’ góp phần thay đổi ngành sản xuất nước giải khát

PMI tháng 1/2024 vượt ngưỡng 50 điểm: Tín hiệu vui của ngành sản xuất Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pmi-xoay-quanh-50-diem-tang-truong-kinh-te-chua-the-khoi-sac-232967.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
PMI xoay quanh 50 điểm: “Tăng trưởng kinh tế chưa thể khởi sắc”
POWERED BY ONECMS & INTECH