Thế giới

Qua mặt Mỹ: Đội ‘tàu ma’ tiếp tay cho dòng dầu Venezuela chảy về châu Á, Trung Quốc nhập hơn 460.000 thùng/ngày

Thanh Lê 01/05/2025 - 04:47

Vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, một siêu tàu chở dầu cũ kỹ mang tên Varada xuất hiện tại vùng biển phía đông Malaysia sau hành trình kéo dài hai tháng từ Venezuela.

Trên giấy tờ, đây là một tàu chở dầu bình thường trong “đội tàu bóng tối” chuyên chở dầu từ các nước bị trừng phạt như Nga, Iran hay Venezuela. Nhưng thực tế, đây không phải là con tàu thật.

Qua mặt Mỹ: Đội ‘tàu ma’ tiếp tay cho dòng dầu Venezuela chảy về châu Á, Trung Quốc nhập hơn 460.000 thùng/ngày - ảnh 1
Tàu ma Venezuela xuất hiện dày đặc gần eo biển Malacca

Varada thực sự – không nằm trong danh sách bị cấm vận – đã bị tháo dỡ ở Bangladesh từ năm 2017. Chiếc tàu mới xuất hiện là một “tàu ma” hay còn gọi là “zombie ship”, sử dụng danh tính của những con tàu đã bị phá hủy để đánh lừa hệ thống giám sát quốc tế và tránh né các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước khác.

Tình trạng sử dụng “tàu ma” đang gia tăng trong thương mại dầu mỏ bất hợp pháp, đặc biệt là từ Venezuela – quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt khắt khe hơn sau khi chính quyền Trump áp thuế và đe dọa trừng phạt các quốc gia nhập khẩu dầu từ nước này.

Trong những tuần gần đây, ít nhất 4 tàu ma đã được phát hiện trong mạng lưới vận chuyển dầu Venezuela. Dữ liệu định vị tàu từ Starboard Maritime Intelligence kết hợp với ảnh vệ tinh tại hai cảng xuất khẩu dầu lớn là José và Amuay, cho thấy các tàu này không khớp với ảnh lưu trữ của các tàu gốc mà chúng đang giả mạo. Sự khác biệt rõ rệt về cấu trúc boong tàu, màu sơn, và bố cục cho thấy đây không phải là những con tàu thật – vốn đã bị tháo dỡ từ lâu và chưa từng bị trừng phạt.

Việc giả mạo số hiệu IMO – mã định danh duy nhất cho mỗi tàu – đã trở thành “vũ khí mới” của các bên vận hành đội tàu bóng tối. Thay vì xây dựng hệ thống tàu riêng, họ mượn danh những con tàu đã bị phá hủy để vận chuyển dầu bị cấm từ điểm A đến điểm B mà không bị phát hiện.

“Tàu ma là phương án thứ ba”, chuyên gia Mark Douglas từ Starboard nhận định. “Nó giống như việc bạn không đủ tiền xây một đội tàu riêng, nên bạn dùng danh tính của người khác để vận hành”.

Chiếc “Varada giả” là tàu đầu tiên trong số 4 chiếc rời Venezuela, có thể chở tới 7 triệu thùng dầu nếu đầy tải. Sau khi rời cảng José, nó băng qua Đại Tây Dương, vòng qua Mũi Hảo Vọng, tiến vào Ấn Độ Dương và cập vùng biển Malaysia vào ngày 18/4. Tàu sau đó ngắt tín hiệu định vị, hiển thị điểm đến là “for orders” (chờ lệnh), với mức mớn nước thấp chứng tỏ chở đầy hàng. Ảnh vệ tinh cho thấy tàu vẫn neo đậu tại khu vực vào các ngày 19, 21, 24 và 26/4.

Vùng biển này là điểm trung chuyển quen thuộc của đội tàu bóng tối, nơi dầu được chuyển từ tàu sang tàu trước khi đưa đến các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu Venezuela nhiều nhất tháng trước với 10 tàu và trung bình 461.000 thùng/ngày.

Thân phận thật của “Varada”: Một tàu bị Mỹ trừng phạt

Dữ liệu của Starboard cho thấy “Varada” thực chất là tàu M Sophia, được đóng năm 2004, bị Mỹ trừng phạt hồi tháng 1 khi chính quyền Biden sắp mãn nhiệm. Con tàu này hiện phát tín hiệu giả là đang ở Vịnh Guinea, không có quốc tịch rõ ràng, không chủ sở hữu và không công ty bảo hiểm.

Qua mặt Mỹ: Đội ‘tàu ma’ tiếp tay cho dòng dầu Venezuela chảy về châu Á, Trung Quốc nhập hơn 460.000 thùng/ngày - ảnh 2
4 con tàu được cho là tàu chở dầu bị phá hủy gần đây đã được nhìn thấy rời khỏi Venezuela, hướng đến châu Á

Tại hai hội nghị vận tải biển gần đây ở Singapore, bao gồm một sự kiện do Vortexa tổ chức, giới phân tích đã cảnh báo về xu hướng giả mạo mã số IMO đang ngày càng phổ biến và nguy hiểm.

Sau “Varada giả”, 3 tàu ma khác cũng đã rời Venezuela trong tháng qua. Cuối tháng 3, tàu tự nhận là Gema (đóng năm 1999) và Alana (1998) rời cảng Amuay, chở đầy dầu, băng qua Mũi Hảo Vọng và đang tiến vào Ấn Độ Dương. Giữa tháng 4, tàu nhận dạng là New Inspiration (2002) rời cảng José, hiện đang hướng về Nam Phi.

Sự trỗi dậy của tàu ma diễn ra giữa lúc Mỹ gia tăng sức ép lên ngành dầu mỏ Venezuela. Ứng viên cho vị trí lãnh đạo trừng phạt của chính quyền Trump gần đây tuyên bố sẽ nhắm thẳng vào Venezuela và các quốc gia mua dầu từ nước này.

“Tổng thống Trump đang gửi thông điệp rõ ràng: tiếp cận nền kinh tế Mỹ là một đặc ân, không phải quyền lợi”, John Hurley nói trong phiên điều trần trước Thượng viện. “Các nước nhập dầu Venezuela sẽ phải trả giá”.

>> Phớt lờ sức ép từ Mỹ, một quốc gia tuyên bố tăng cường hợp tác với Trung Quốc

Mỹ đã chốt thoả thuận thương mại đầu tiên với 1 quốc gia châu Á, chỉ còn chờ Thủ tướng nước này phê duyệt

Quốc gia châu Á bất ngờ trở thành ‘cứu cánh’ cho doanh nghiệp Trung Quốc, bùng nổ đơn hàng xuất sang Mỹ

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/qua-mat-my-doi-tau-ma-tiep-tay-cho-dong-dau-venezuela-chay-ve-chau-a-trung-quoc-nhap-hon-460000-thungngay-141429.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Qua mặt Mỹ: Đội ‘tàu ma’ tiếp tay cho dòng dầu Venezuela chảy về châu Á, Trung Quốc nhập hơn 460.000 thùng/ngày
    POWERED BY ONECMS & INTECH