Quần thể 162 cây gỗ 'hóa than đá' quý hiếm bậc nhất Việt Nam, 'núi tiền' cũng không mua được
Đây là loại gỗ nổi tiếng quý hiếm, có giá trị cao tại Việt Nam.
Việt Nam tồn tại không ít loại gỗ quý, có giá trị và tính ứng dụng cao trong đời sống. Gỗ thủy tùng là một trong những loại gỗ quý hiếm ở nước ta, được nhiều người săn tìm. Cây thủy tùng có tên khoa học là Glyptostrobus pensilis, còn được gọi là cây thông nước.
Loại cây này không được trồng phổ biến trên toàn thế giới mà chỉ mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Việt Nam được coi là quốc gia có số lượng cây thủy tùng tự nhiên đáng kể, với quần thể 162 cây. Cụ thể, cây thủy tùng được tìm thấy ở tỉnh Đắk Lắk, gồm xã Ea Ral (huyện Ea H'leo) có 140 cây, xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) có 21 cây và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ.
Khác với nhiều loại cây gỗ quý khác, thủy tùng lại sống ở những nơi ẩm ướt, đầm lầy. Chúng thường mọc thẳng, gỗ tốt, chắc chắn và bền bỉ. Mùi thơm dễ chịu, vân gỗ đẹp, thớ mịn... cũng là những đặc điểm nổi trội của cây gỗ thủy tùng. Vì những lý do đó, gỗ thủy tùng thường được người xưa sử dụng để chế tạo cung tên. Nhiều người còn tin rằng loại gỗ quý hiếm này có khả năng chữa phong thấp và giảm đau. Ngoài ra, những cây có dáng đẹp, độc đáo còn được dùng làm cây cảnh, trang trí trong nhà.
Điều kỳ lạ ở loại gỗ này là chúng có thể chảy nhựa ngay cả khi đã được chế tác. Nhựa của gỗ thủy tùng có mùi thơm dễ chịu, tạo nên điểm khác biệt so với các loại gỗ khác. Do đó, gỗ thủy tùng có giá rất đắt đỏ, thậm chí có cả "núi tiền" cũng không dễ dàng mua được.
Đây là loại cây gỗ quý đã tồn tại từ 10 triệu năm trước, chứng kiến những biến đổi địa chất và sinh học của Trái Đất. Hiện tại, loài cây này đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng và được xếp vào nhóm IA trong Sách đỏ Việt Nam, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Trong thời gian các loài thực vật đầm lầy chết do tác động của nhiệt và áp lực địa chất, cây thủy tùng cũng hóa thành than đá. Những cây thủy tùng còn lại trên Trái Đất là số ít cây sống sót qua thời kỳ này. Tuy nhiên, chúng lại không thể sinh sôi nảy nở và cách duy nhất để bảo vệ loài cây này là không để chúng bị đốn hạ hay sâu mục.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm, anh Phạm Thanh Tuấn, Trưởng trạm bảo vệ Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, khẳng định rằng cây thủy tùng ra hoa, có hạt nhưng hạt lại không nảy mầm. Hiện nay, những người có chuyên môn cao thường sử dụng phương pháp ghép chồi lên gốc cây khác, nhưng thủy tùng vẫn được đánh giá là khó trồng. Chúng còn lọt vào tầm ngắm của lâm tặc, nên càng đối mặt với tình trạng khan hiếm và nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai.