Quảng cáo "lố" của nhãn sữa Dutch Lady
Trong khi rất nhiều sản phẩm sữa của FrieslandCampina Việt Nam có độ đạm dưới 2,7gram, thì Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp này lại khẳng định “sữa thật phải giàu canxi và phải có độ đạm trên 2,7gram”. Thông tin này khiến người tiêu dùng đặt câu hỏi phải chăng đơn vị sở hữu nhãn hàng nổi tiếng Dutch Lady đang bán “sữa không thật”?
Nội dung quảng cáo sản phẩm "Sữa Thật" của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. |
Hàng loạt sản phẩm có độ đạm dưới 2,7gram
Mới đây, cùng với việc tung ra sản phẩm mới có thông điệp quảng cáo “sữa thật cho bữa sáng”, bà Tạ Thúy Hà - Giám đốc kinh doanh cấp cao của Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam, đơn vị sở hữu nhãn hàng Dutch Lady (Cô Gái Hà Lan) đã tham gia một tọa đàm và thể hiện quan điểm: sữa thật phải giàu canxi và phải có độ đạm (protein) trên 2,7gram ghi trên vỏ bao bì.
Hiện nay, các TVC quảng cáo sản phẩm "Sữa Thật" của FrieslandCampina Việt Nam cũng được làm với các phiên bản khác nhau, trong đó nội dung nhắc đi nhắc lại việc hãy chọn “Sữa Thật - sữa chuẩn Hà Lan”.
Quá trình tìm hiểu cho thấy, ngoài nhãn hàng được nhiều người biết đến là sữa tươi tiệt trùng Dutch Lady, hiện FrieslandCampina Việt Nam cũng đang sở hữu nhiều dòng sản phẩm khác khác có lượng tiêu thụ lớn : Thức uống dinh dưỡng vị chua Fristi (được quảng cáo là Sữa chua uống); Fristi - Sữa chua Hoa Quả; Youmost; Sữa chua uống Dutch Lady.
Đáng chú ý, các dòng sản phẩm này này của FrieslandCampina Việt Nam đều có độ đạm dưới 2,7gram. Cụ thể: sản phẩm Fristi và Youmost có độ đạm là 0,7 - 0,8 gram; còn sản phẩm Sữa chua uống Dutch Lady có độ đạm là 1,5gram.
Như vậy, theo chuẩn “sữa thật có độ là 2,7gram” thì độ đạm của những sản phẩm này còn thấp hơn rất nhiều chỉ số của cái gọi là “sữa thật” mà FrieslandCampina Việt Nam đưa ra. Cũng từ đây làm dấy lên nhiều hoài nghi về việc những gì FrieslandCampina Việt Nam đang quảng cáo về sản phẩm Sữa Thật của mình liệu có phải nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng, hay chính doanh nghiệp này đang thừa nhận mình đã và đang kinh doanh các sản phẩm không phải “sữa thật”?
Được biết sản phẩm "sữa thật cho bữa sáng" của FrieslandCampina Việt Nam là dòng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng Dutch Lady - thuộc loại sữa hoàn nguyên (bột pha lại) không phải sữa tươi… Sữa hoàn nguyên vốn là sữa tươi trải qua quá trình cô đặc và chế biến sữa nước thành sữa cô đặc hoặc sữa bột (để bảo quản); sau đó các nhà sản xuất lại dùng loại sữa bột này rồi thêm một lượng nước thích hợp để pha loãng thành sữa có một tỷ lệ tương đương với sữa tươi, và chất rắn trong sữa cũng ở mức tương đương.
Theo các chuyên gia, việc phải trải qua nhiều lần xử lý nhiệt như vậy khiến cho hàm lượng các chất dinh dưỡng trong sữa hoàn nguyên bị giảm sút rất nhiều so với sữa tươi nguyên liệu.
Nhiều lần bị “tố” sữa kém chất lượng, doanh thu sụt giảm
Sản phẩm sữa tươi tiệt trùng Dutch Lady từng nhiều lần bị khách hàng "tố" có chất lượng rất kém. |
Trong nhiều năm qua, người tiêu dùng Việt Nam đã từng không ít lần phàn nàn về chất lượng của những sản phẩm sữa mang thương hiệu Dutch Lady của FrieslandCampina Việt Nam. Các vấn đề mà sản phẩm này thường xuyện gặp phải có thể kể đến gồm: sữa vón cục, bốc mùi hôi nồng nặc khiến khách hang bị tiêu chảy; sữa gây dị ứng cho trẻ; nhiều học sinh tiểu học ở các địa phương có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng sản phẩm sữa Dutch Lady…
Đáng chú ý, ngày 7/10/2009 Cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã có công văn số 1828/ATTP/ĐKCN gửi Công ty FrieslandCampina Việt Nam về việc “tạm dừng sản xuất, dừng đưa ra lưu thông và thu hồi các sản phẩm sữa tiệt trùng có chứa Vivinal Gos” nhằm để ngăn chặn kịp thời nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Sau hàng loạt lời “tố” sản phẩm kém chất lượng của khách hàng, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam đã chứng kiến việc doanh thu bị sụt giảm mạnh. Gần đây nhất, trong năm 2022, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của FrieslandCampina Việt Nam chỉ còn 5.894 tỷ đồng, giảm 317 tỷ đồng - tương đương 5,1% so với năm 2021. Kết quả là lợi nhuận sau thuế giảm 308 tỷ đồng - tương đương 72,8%, xuống chỉ còn 115 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hiệu quả kinh doanh của FrieslandCampina Việt Nam không chỉ đi lùi trong năm 2022 mà hiện tượng này xuất hiện đã lâu. Trong giai đoạn 5 năm trước 2022, doanh thu của FrieslandCampina Việt Nam có xu hướng giảm dần đều và lần lượt đạt: 7.290 tỷ đồng (năm 2017), 6.501 tỷ đồng (năm 2018), 6.632 tỷ đồng (năm 2019), 6.397 tỷ đồng (năm 2020) và 5.547 tỷ đồng (năm 2020).
Cùng với doanh thu, lợi nhuận tại công ty này cũng “đi ngược”. Lợi nhuận sau thuế lần lượt là 809 tỷ đồng (năm 2017), 792 tỷ đồng (năm 2018), 758 tỷ đồng (năm 2019), 871 tỷ đồng (năm 2020) và 423 tỷ đồng (năm 2021).
So với năm 2017, FrieslandCampina Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm 1.396 tỷ đồng, tương đương 19,1% nhưng Lợi nhuận sau thuế giảm tới 694 tỷ đồng, tương đương 85,8% xuống 115 tỷ đồng.
Có thể nhận thấy rằng trong giai đoạn 2017-2022, doanh thu và lợi nhuận của FrieslandCampina Việt Nam đồng loạt giảm mạnh dù quy mô thị trường toàn thị trường sữa tăng mạnh từ hơn 100.000 đồng lên 135.000 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu thua kém đối thủ nội nhưng vượt trội so với “Công ty mẹ”
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của FrieslandCampina Việt Nam chỉ là 2% - giảm đáng kể so với con số 6,8% của năm 2021.
Tuy nhiên, ngay cả khi con số này ở mức cao 6,8%/năm, thì tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu của FrieslandCampina Việt Nam vẫn thua con số 14% của các doanh nghiệp sữa nội đầu ngành. Thậm chí, nếu so sánh với Hanoimilk, đơn vị có thị phần sản phẩm thấp hơn rất nhiều so với thương hiệu Dutch Lady, thì FrieslandCampina Việt Nam vẫn thua kém về khả năng sinh lời của doanh thu.
Sự chênh lệch về khả năng sinh lời của FrieslandCampina Việt Nam với các đối thủ nội đang khiến giới đầu tư tài chính đặt câu hỏi: “Dòng tiền của FrieslandCampina Việt Nam đã đi về đâu?”.