Được Chính phủ mở đường, ông Phạm Nhật Vượng rót 12.000 tỷ bằng cổ phiếu vào doanh nghiệp làm đường sắt tốc độ cao
Nhận vốn góp từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VinSpeed đang khẳng định tiềm lực trước các đối thủ lớn như THACO, liên danh Mekolor – Great USA.
Tập đoàn Vingroup (VIC) vừa công bố thông tin ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT - đã chuyển nhượng hơn 87,5 triệu cổ phiếu VIC cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, tương đương 2,26% vốn điều lệ của Vingroup. Giao dịch được thực hiện vào ngày 27/6/2025.
Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu cổ phiếu VIC của ông Vượng giảm từ gần 537,5 triệu đơn vị (13,86%) xuống còn khoảng 450 triệu đơn vị (11,6%). Trước đó không lâu, ngày 10/6, ông cũng đã chuyển nhượng 48 triệu cổ phiếu VIC cho VinSpeed.
Tính đến nay, VinSpeed đã nhận 135,6 triệu cổ phiếu VIC từ ông Phạm Nhật Vượng – tương đương 3,5% vốn điều lệ của Vingroup. Với giá thị trường đạt gần 92.000 đồng/cổ phiếu vào phiên 6/5, số cổ phần mà ông Vượng góp vào VinSpeed có giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.
![]() |
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã góp khối tài sản hơn 12.000 tỷ vào VinSpeed |
>> Quê nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo cáo thành tích ấn tượng, nhấn mạnh đóng góp lớn từ VinFast
VinSpeed được thành lập vào tháng 5/2025, trụ sở đặt tại Khu đô thị Vinhomes Riverside, Hà Nội. Với ngành nghề chính là xây dựng công trình đường sắt, doanh nghiệp này đã đề xuất dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư lên đến 67 tỷ USD. Doanh nghiệp đặt mục tiêu là khởi công dự án trước tháng 12/2026.
VinSpeed có vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng góp 3.060 tỷ đồng (51% cổ phần) và giữ vai trò Chủ tịch HĐQT. Các cổ đông còn lại gồm: Tập đoàn Vingroup (10%), CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (35%) và bà Phạm Thúy Hằng – Phó Chủ tịch Vingroup (3%).
Dựa theo đề xuất gửi Chính phủ, doanh nghiệp cam kết tự thu xếp 20% vốn đầu tư (khoảng 12,27 tỷ USD) và kiến nghị phần còn lại (1,25 triệu tỷ đồng) sẽ vay từ nguồn vốn Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn hoàn trả 35 năm.
Để đảm bảo hiệu quả tài chính và khả năng hoàn vốn, VinSpeed sẽ phối hợp với Vingroup và Vinhomes (VHM) phát triển các đô thị hiện đại xung quanh các ga theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Đồng thời, doanh nghiệp cũng đang đàm phán hợp tác công nghệ với các đối tác đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Đức để tiếp nhận kỹ thuật sản xuất đầu máy, toa xe, và hệ thống điều khiển.
Chính phủ bật đèn xanh cho doanh nghiệp tư nhân làm đường sắt tốc độ cao
Sáng 27/6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp 9, cho phép Chính phủ lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nếu cần cơ chế vượt thẩm quyền, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo đó, ngoài hình thức đầu tư công, hai phương thức mới được bổ sung gồm: Đối tác công tư (PPP) và đầu tư kinh doanh trực tiếp.
Trước đây, dự án được định hướng thực hiện bằng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, nhiều doanh nghiệp tư nhân như VinSpeed, THACO, liên danh Mekolor – Great USA… đã chủ động đề xuất tham gia triển khai bằng nguồn vốn xã hội hóa. Trong khi đó, hiện chưa có hình thức đầu tư cụ thể nào được quy định cho đường sắt tốc độ cao.
Việc mở rộng cơ chế đầu tư được đánh giá là phù hợp với tinh thần Nghị quyết 198/2025 của Quốc hội, khuyến khích huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho các dự án hạ tầng chiến lược quốc gia.
>> Có 10 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng góp thêm hơn 7.800 tỷ vào công ty làm đường sắt tốc độ cao
Quê nhà tỷ phú Phạm Nhật Vượng báo cáo thành tích ấn tượng, nhấn mạnh đóng góp lớn từ VinFast
VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng tốc mở rộng tại thị trường ô tô lớn thứ 3 thế giới