Quảng Nam: Một huyện được sáp nhập với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I

24-02-2024 06:39|Mai Chi

Đồng thời hình thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh.

Theo Quyết định 72/QĐ-TTg của Thủ tướng 0Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Nam sẽ tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc không gian "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển", nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế địa kinh tế - văn hoá - chính trị để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam.

Quảng Nam: Một huyện được sáp nhập với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I
Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

>> Tỉnh 'đặc biệt' nhất Việt Nam sẽ có hệ thống tàu điện ngầm, sân bay, đường sắt và cảng cạn

2 vùng sẽ bao gồm: Vùng Đông và vùng Tây; trong đó, vùng Đông gồm các huyện, thị xã, TP đồng bằng ven biển: Là vùng động lực của tỉnh với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp; tập trung các đô thị lớn, trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Quảng Nam.

Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học, đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi: Là vùng bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thuỷ điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới.

Đô thị Khâm Đức - Phước Sơn và Thạnh Mỹ - Nam Giang là các đô thị chuyển tiếp, kết nối, giao lưu phát triển giữa khu vực đồng bằng tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với Tây Nguyên và các nước trên hành lang quốc tế Đông - Tây. Tập trung đầu tư các trục quốc lộ liên kết vùng Đông với vùng Tây để tạo động lực phát triển vùng Tây.

Hai cụm động lực gồm: Cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc. Đây là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh, kết nối với các không gian kinh tế của TP Đà Nẵng. Hình thành chuỗi đô thị ven sông, ven biển thông qua các tuyến đường bộ và hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn, Cổ Cò; phát triển hành lang du lịch dựa trên tuyến giao thông đường thủy.

Nâng cao chất lượng khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các cụm công nghiệp tại Điện Bàn. Điều chỉnh các cụm công nghiệp trên trục quốc lộ 14B huyện Đại Lộc theo hướng kết nối, mở rộng thành các khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ, môi trường đảm bảo; phát triển không gian đô thị Điện Bàn và Hội An gắn kết với đô thị hóa của TP Đà Nẵng, hình thành đô thị nghỉ dưỡng - giải trí ven biển và ven sông Cổ Cò.

Cụm động lực thứ hai là Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh. Cụm này sẽ kết nối các không gian kinh tế của 3 đơn vị hành chính này thành khu vực phát triển kinh tế công nghiệp, dịch vụ logistic cảng biển, hàng không, thương mại, du lịch biển, y tế, giáo dục - đào tạo, đô thị thông minh, trong đó sáp nhập huyện Núi Thành với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I.

Riêng Chu Lai sẽ là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, với hạt nhân là ngành công nghiệp cơ khí ô tô, tiếp tục tái cấu trúc đồng thời với tổ chức sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Liên kết với tỉnh Quảng Ngãi trở thành cực tăng trưởng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển; hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh; hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

Hành lang động lực kinh tế ven biển từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đến ven biển sẽ tập trung các không gian công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh và chuỗi đô thị sông, biển gắn với cảng biển và Cảng hàng không Chu Lai.

Hành lang dọc đường Đông Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh thuộc không gian phía Tây của tỉnh sẽ tập trung công nghiệp thuỷ điện, khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm nghiệp, bảo tồn, phát huy văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số; là cửa ngõ giao thương với các tỉnh Tây Nguyên và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hành lang dọc quốc lộ 14B và quốc lộ 14E nối lên quốc lộ 14D đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang sẽ là trục giao lưu với vùng kinh tế Tây nguyên và Nam Lào - Bắc Campuchia.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP ước giảm 8,25%, đây là mức giảm nhiều nhất kể từ năm 1997 thời điểm tái lập tỉnh đến nay. Công nghiệp gặp khó khăn, khó phục hồi; tổng thu ngân sách Nhà nước chưa đạt dự toán và chỉ bằng 71,6% so với cùng kỳ; việc triển khai một số công trình, dự án chưa bảo đảm đúng tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Về kế hoạch năm 2024, Quảng Nam sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, nhất là mở rộng, tìm kiếm thị trường, kiên quyết cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính. Hỗ trợ ổn định đời sống cho người dân. Phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng từ 7,5% - 8%, thu ngân sách đạt 23.600 tỷ đồng (20.100 tỷ đồng thu nội địa).

>> Huyện của TP. HCM được lên thành phố, sắp khởi công khu đô thị đại học Quốc tế 2,5 tỷ USD

Một thành phố du lịch nổi tiếng Việt Nam được định hướng là đô thị thông minh

Huyện của TP. HCM được lên thành phố, sắp khởi công khu đô thị đại học Quốc tế 2,5 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quang-nam-mot-huyen-duoc-sap-nhap-voi-tp-tam-ky-de-phat-trien-thanh-do-thi-loai-i-223990.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quảng Nam: Một huyện được sáp nhập với TP. Tam Kỳ để phát triển thành đô thị loại I
    POWERED BY ONECMS & INTECH