Quốc gia châu Á 'nợ ngập đầu', tung biện pháp khẩn hạ nhiệt lãi suất: Thị trường toàn cầu phản ứng ngay lập tức
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét khả năng giảm phát hành trái phiếu siêu dài hạn, sau khi lợi suất của loại trái phiếu này tăng vọt trong thời gian gần đây. Hai nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters hôm thứ Ba rằng động thái này nhằm trấn an thị trường trong bối cảnh lo ngại gia tăng về tình hình tài chính công của đất nước.
Ngay sau thông tin này, lợi suất trái phiếu siêu dài hạn đã giảm mạnh, đồng yên Nhật và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đồng loạt đi xuống, khi thị trường đón nhận tín hiệu tích cực từ việc Tokyo sẵn sàng can thiệp để kiềm chế đà tăng của lãi suất dài hạn.
Theo các nguồn tin, Bộ Tài chính Nhật Bản (MOF) đang cân nhắc điều chỉnh cơ cấu chương trình phát hành trái phiếu trong năm tài khóa hiện tại, bao gồm khả năng giảm khối lượng phát hành trái phiếu kỳ hạn siêu dài. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau khi MOF thảo luận với các thành phần thị trường vào khoảng giữa đến cuối tháng 6.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh lợi suất trái phiếu siêu dài hạn tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu sụt giảm từ các nhà đầu tư truyền thống như các công ty bảo hiểm nhân thọ, cùng với tâm lý lo ngại trên thị trường toàn cầu về mức nợ công ngày càng tăng.
Sau báo cáo trên, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 30 năm đã giảm 12,5 điểm cơ bản xuống còn 2,91%, mức thấp nhất kể từ ngày 14/5. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm cũng giảm 5 điểm, xuống còn 1,455%.
Đồng USD tăng 0,3% so với đồng yên, đạt mức 143,275 yên.
Đà giảm của lợi suất trái phiếu siêu dài hạn tại Nhật cũng kéo theo sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu dài hạn Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 30 năm giảm 7 điểm cơ bản, còn 4,963% trong phiên giao dịch sáng tại London – mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ giữa tháng 4.
Ngân hàng Societe Generale nhận định trong một báo cáo: “Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cần có một điều chỉnh để giải quyết sự mất cân đối cung - cầu trong phân khúc trái phiếu dài hạn JGB. Và thị trường đang cho rằng MOF sẽ là bên hành động”.
Nếu MOF thực hiện cắt giảm phát hành trái phiếu 20, 30 hoặc 40 năm, rất có thể khối lượng trái phiếu ngắn hạn sẽ được tăng thêm để bù đắp.
Tuy nhiên, tổng quy mô phát hành trái phiếu chính phủ Nhật trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm 2026 sẽ vẫn được giữ nguyên ở mức 172,3 nghìn tỷ yên (khoảng 1,21 nghìn tỷ USD), theo các nguồn tin.
Giảm áp lực tạm thời
Thị trường toàn cầu gần đây liên tục biến động do làn sóng bán tháo trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu chính phủ Mỹ, trong bối cảnh các chính sách thuế và chi tiêu khó lường dưới thời Tổng thống Donald Trump làm dấy lên lo ngại về độ an toàn của nợ công Mỹ – vốn được xem là nơi trú ẩn an toàn nhất thế giới.
Tại Nhật Bản, trái phiếu siêu dài hạn cũng chịu áp lực bán tháo khi Thủ tướng Shigeru Ishiba đối mặt với áp lực chính trị phải cắt giảm thuế và tăng chi tiêu trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7 – những chính sách có thể khiến nợ công Nhật thêm trầm trọng.
Chính phủ Nhật đang cân nhắc xây dựng thêm một gói chi tiêu kích thích kinh tế mới, tuy nhiên các lãnh đạo liên minh cầm quyền đã nhất trí sẽ không phát hành thêm trái phiếu bù đắp thâm hụt ngân sách.
Những biến động trên thị trường JGB đang khiến giới đầu tư theo dõi sát sao xem liệu MOF – đơn vị quản lý phát hành nợ – và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có hành động gì để kiềm chế đà tăng của lợi suất siêu dài hạn hay không.
Phía BOJ được cho là sẽ không thực hiện điều chỉnh lớn nào trong chương trình giảm mua trái phiếu hiện tại, nhưng đợt bán tháo vừa qua có thể ảnh hưởng đến kế hoạch thắt chặt chính sách từ năm tài khóa 2026 trở đi – quyết định dự kiến được đưa ra trong cuộc họp chính sách tháng sau.
“Việc phát hành trái phiếu siêu dài hạn có thể giảm sớm nhất vào tháng 7”, ông Katsutoshi Inadome, chiến lược gia cấp cao tại Sumitomo Mitsui Trust Asset Management, nhận định. “Điều này sẽ giúp giảm bớt lo ngại về kết quả đấu giá trái phiếu kỳ hạn 40 năm vào ngày thứ Tư”.
“Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp giảm nhiệt tạm thời, và không thể giúp giảm nợ công của Nhật Bản”, ông nói thêm. “Nếu MOF đã hành động, thì các chính trị gia giờ cần có trách nhiệm không làm gia tăng thêm gánh nặng nợ”.
>> Trung Quốc viết lại 'Made in China 2025', phản đòn chiến lược tách rời của Mỹ
Nhật Bản rải đất nhiễm xạ từ Fukushima ngay tại Văn phòng Thủ tướng để chứng minh độ an toàn
Vượt Nhật Bản, quốc gia châu Á chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới