Quốc gia có diện tích gấp 10 lần Việt Nam chuẩn bị phóng 2 vệ tinh quan sát Mặt Trời trong đầu tháng tới
Dự án này sử dụng hai tàu vũ trụ phối hợp để nghiên cứu và đo đạc năng lượng phát ra từ vùng sáng Mặt Trời với độ chính xác chưa từng có.
Theo thông báo từ Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Ấn Độ - ông Jitendra Singh, cho biết Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (Isro) đang chuẩn bị phóng sứ mệnh Proba-3 của châu Âu. Đây là một dự án tiên phong, sử dụng hai tàu vũ trụ phối hợp để nghiên cứu và đo đạc năng lượng phát ra từ quầng sáng Mặt Trời với độ chính xác chưa từng có.
Proba-3 là một sứ mệnh quốc tế với sự tham gia của 14 quốc gia, trong đó Bỉ đóng vai trò tài trợ chính và có nhiều công ty, nhà khoa học đóng góp trực tiếp. Các nhà khoa học kỳ vọng rằng sứ mệnh này sẽ thành công, tạo nên một bước ngoặt trong việc khám phá và nâng cao hiểu biết về vũ trụ.
Sứ mệnh đầy tham vọng này dự kiến sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 12/2024, khả năng cao vào ngày 4/12 từ trung tâm vũ trụ Sriharikota ở Ấn Độ. Đây sẽ là một cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ quan sát Mặt Trời.
Tên lửa PSLV-XL sẽ đưa các vệ tinh của sứ mệnh Proba-3 vào quỹ đạo hình elip, với điểm xa nhất cách Trái Đất 60.000 km và điểm gần nhất chỉ 600 km. Quỹ đạo đặc biệt này cho phép hai vệ tinh hoạt động đồng bộ và bay theo đội hình trong không gian suốt 6 giờ, giúp giảm tác động của lực hấp dẫn và tiết kiệm nhiên liệu cần thiết để hiệu chỉnh vị trí.
Sứ mệnh Proba-3 được thiết kế để quan sát liên tục quầng sáng mặt trời. Kỹ thuật này cho phép các nhà khoa học theo dõi cận cảnh mặt trời và quầng sáng xung quanh nó. Trong các hiện tượng nhật thực, bầu khí quyển ngoài cùng của mặt trời xuất hiện dưới dạng một vòng sáng bao quanh phần bị che khuất. Đây là khu vực hình thành các cơn bão mặt trời, có khả năng gây ra rối loạn lớn đối với cơ sở hạ tầng điện tử trên Trái đất. Tuy nhiên, vì nhật thực chỉ kéo dài vài phút, nên các nhà khoa học không thể thu thập đủ dữ liệu cần thiết.
Theo tính toán, vệ tinh này có thể nghiên cứu quầng sáng mặt trời liên tục trong 6-7 giờ. Để đạt được mục tiêu này, hai vệ tinh phải duy trì khoảng cách chính xác đến từng milimet. Đây cũng là lần đầu tiên Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) thực hiện một sứ mệnh từ Ấn Độ kể từ sau Proba-1 vào năm 2001.
Tháng 4/2023, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,428 tỷ người. Diện tích của Ấn Độ là 3.287.263km2, rộng gấp gần 10 lần Việt Nam (331.212km2).
>> Quốc gia có diện tích gấp 10 lần Việt Nam phóng thành công vệ tinh quan sát Trái Đất vào quỹ đạo