Quốc gia khai thác hơn 100 tấn vàng mỗi năm chấn động vì 13 công nhân bị sát hại
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự tại khu vực này và áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h sáng hôm sau nhằm kiểm soát tình hình an ninh.
Ngày 5/5, Tổng thống Peru Dina Boluarte thông báo, Chính phủ nước này sẽ tạm đình chỉ hoạt động khai thác vàng tại huyện Pataz (miền Bắc) trong vòng 30 ngày sau vụ việc 13 công nhân mỏ vàng bị bắt cóc và sát hại bởi các nhóm khai thác vàng trái phép.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ thiết lập một căn cứ quân sự tại khu vực này và áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h sáng hôm sau nhằm kiểm soát tình hình an ninh.
Công ty khai thác mỏ La Poderosa cho biết, 13 nạn nhân đều là công nhân của công ty R&R - đơn vị đối tác của La Poderosa. Những người này đã bị bắt cóc vào tháng trước và thi thể của họ được cảnh sát tìm thấy vào Chủ nhật.
Tổng thống Boluarte nhấn mạnh: “Lực lượng vũ trang sẽ tiếp quản khu vực hoạt động của La Poderosa”, nhưng không cung cấp chi tiết cụ thể về cách thức tạm dừng khai thác.
Đại diện La Poderosa thông tin với Reuters rằng họ đang làm rõ các vấn đề liên quan và nhấn mạnh lệnh đình chỉ nên chỉ áp dụng đối với các hoạt động khai thác không chính thức.
Theo La Poderosa, gần 40 người - bao gồm nhà thầu và thợ mỏ thủ công đã bị giết hại trong thời gian gần đây ở Pataz do các băng nhóm tội phạm gây ra.
Từ năm 2020, nhiều khu vực thuộc quyền kiểm soát của La Poderosa đã bị các nhóm khai thác trái phép chiếm giữ. Khu vực này vốn đã nằm trong tình trạng khẩn cấp, với sự hiện diện đông đảo của lực lượng cảnh sát và quân đội do các vụ tấn công trước đó vào hoạt động của công ty.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Peru, ông Jorge Montoro cho biết, lệnh đình chỉ 30 ngày có thể sẽ được gia hạn nếu tình hình không được cải thiện.
![]() |
Người nhà của các công nhân mỏ bị sát hại đứng chờ bên ngoài nhà xác địa phương để nhận thi thể của người thân. Ảnh: Reuters |
Peru hiện là quốc gia sản xuất đồng lớn thứ 3 thế giới, tuy nhiên các mỏ đồng chủ yếu tập trung ở phía Nam, trong khi vàng và bạc được khai thác chủ yếu tại khu vực phía Bắc. Mỗi năm, Peru khai thác hơn 100 tấn vàng, chiếm khoảng 4% nguồn cung toàn cầu.
Chính phủ nước này cho phép thợ mỏ khai thác tự do nếu có kế hoạch hợp pháp hóa, nhưng kể từ đại dịch Covid-19 và khi giá vàng liên tục tăng, làn sóng khai thác trái phép đã lan rộng trên khắp cả nước.
“Khai thác vàng bất hợp pháp hiện là hoạt động tội phạm sinh lợi nhất tại Peru”, luật sư Cesar Ipenza chia sẻ.
Theo Cơ quan Tình báo Tài chính Peru (FIU), hoạt động này tạo ra dòng tiền lên tới 9 tỷ USD, chiếm khoảng 60% tổng tài sản được rửa tiền tại Peru trong thập kỷ qua, vượt xa mọi nguồn rửa tiền khác.
Bên cạnh đó, Peru đang đối mặt với làn sóng tội phạm bạo lực ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng tống tiền, giết thuê gia tăng chưa từng thấy, với số vụ án mạng trong năm 2024 tăng vọt 35,9% so với năm 2023.
Theo Reuters, Guardian
>> Vàng lập đỉnh lịch sử, nhưng kim loại bị lãng quên này mới là ‘kho báu’ thực sự?