Quốc hội đã “chốt” 15 chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2023 để Chính phủ triển khai thực hiện, trong đó mục tiêu tăng trưởng (GDP) năm tới khoảng 6,5%...
Chiều 10/11, với 465/466 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,57% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo Nghị quyết, Quốc hội “chốt” 15 chỉ tiêu chủ yếu năm 2023. Trong đó có các chỉ tiêu đáng chú ý như:
- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD.
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 – 6,0%.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1-1,5%.
- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 12 bác sĩ.
Trong quá trình thảo luận, một số ý kiến cho rằng với bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% là khá cao. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, mức 6,5% là thấp so với mức 8,83% trong 9 tháng đầu năm 2022…
Giải trình về điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 được xây dựng trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2022 đạt khoảng 8% - mức tăng trưởng cao.
Cùng đó, dự báo bối cảnh thế giới, trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát, suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nền kinh tế, đối tác lớn.
“Dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5% thể hiện quyết tâm của Chính phủ tiếp tục phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2023” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo.
Để đạt các chỉ tiêu, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan được yêu cầu thực hiện tốt 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Quốc hội nêu rõ, phải tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời yêu cầu, trong điều hành giá cả hàng hóa, dịch vụ phải công khai, minh bạch; tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành chặt chẽ việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu…
Đặc biệt, phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với các nguyên, vật liệu quan trọng và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Quốc hội cũng yêu cầu tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, lưu ý, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.