Doanh nghiệp

Quốc hội thống nhất áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón

Huy Hoàng 27/11/2024 - 09:27

Nếu áp thuế 0%, ngân sách Nhà nước sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp.

Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) sửa đổi với đa số phiếu tán thành. Một trong những nội dung được tranh luận sôi nổi đến phút cuối là quy định thuế suất GTGT đối với phân bón.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh, có 234 đại biểu Quốc hội (chiếm 72,67% tổng số đại biểu) đồng ý đưa phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5%.

Trước đó, đã có nhiều ý kiến tranh luận về mức thuế suất đối với phân bón. Một số đại biểu ủng hộ áp thuế suất 5%, trong khi một số khác đề xuất giữ nguyên mức miễn thuế như hiện hành. Có ý kiến đề nghị áp mức thuế suất 0%, 1%, hoặc 2% để doanh nghiệp trong nước được hoàn thuế đầu vào, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân.

Quốc hội thống nhất áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón
Quốc hội thông qua Luật Thuế Giá trị Gia tăng (GTGT) sửa đổi với đa số phiếu tán thành

Về đề xuất áp dụng thuế suất 0% với phân bón, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, việc này sẽ tạo lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu, do cả hai đều được hoàn thuế đầu vào. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp.

Trước lo ngại rằng áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón, UBTVQH dẫn số liệu từ các chuyên gia, cho thấy giá phân Urê, DAP và lân sản xuất trong nước có thể giảm lần lượt 2%, 1,13% và 0,87%. Giá phân NPK sản xuất trong nước gần như không thay đổi, trong khi giá phân bón nhập khẩu như NPK có thể tăng 5%. Với cấu trúc thị trường hiện tại, trong đó hơn 70% phân bón tiêu thụ là sản xuất trong nước, UBTVQH nhận định giá phân bón trong nước có khả năng giảm và sẽ tạo áp lực buộc các nhà nhập khẩu cũng phải điều chỉnh giá bán theo mặt bằng chung, mang lại lợi ích cho nông dân.

Về ý kiến cho rằng áp thuế GTGT 5% sẽ giúp tăng thu NSNN thêm 1.500 tỷ đồng từ phân bón nhập khẩu, và người nông dân phải gánh chịu, UBTVQH nhận định con số thu được thực tế có thể thấp hơn do kim ngạch nhập khẩu phân bón dự kiến sẽ giảm khi áp dụng thuế suất mới. Đồng thời, tác động đối với người nông dân cũng sẽ không lớn, vì họ có thể chọn mua phân bón trong nước với giá rẻ hơn hoặc các đơn vị nhập khẩu sẽ phải điều chỉnh giá để cạnh tranh với phân bón nội địa.

>>Chuyên gia VDSC: Nguồn cung phân bón toàn cầu dự kiến sẽ vượt cầu trong những năm tới

Sớm vượt 94% kế hoạch, Phân bón Bình Điền đặt kế hoạch khiêm tốn trong 3 tháng cuối năm

Doanh nghiệp phân bón đầu tiên báo lãi quý III/2024, vượt 40% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-hoi-thong-nhat-ap-thue-gia-tri-gia-tang-5-doi-voi-phan-bon-262378.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc hội thống nhất áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón
    POWERED BY ONECMS & INTECH