Quy định mới nhất về trình độ, bằng cấp với giáo viên theo Luật Nhà giáo 2025: Bằng không chính quy, tại chức có được đứng lớp không?
Quy định mới nhất là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đồng thời chuẩn hóa bằng cấp, trình độ chuyên môn theo từng cấp học và loại hình đào tạo.
Từ ngày 1/1/2026, Luật Nhà giáo 2025 chính thức có hiệu lực, quy định cụ thể về trình độ chuẩn được đào tạo của đội ngũ nhà giáo ở các cấp học và cơ sở đào tạo.
Theo Điều 28 của luật, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau. Đối với giáo viên mầm non: Phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.
Đối với giáo viên tiểu học, THCS, THPT: Phải có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên phù hợp với môn học, cấp học giảng dạy. Trường hợp tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành khác, giáo viên phải có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Nhà giáo giảng dạy đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên.
Nhà giáo giảng dạy sau đại học và hướng dẫn luận văn, luận án, phải có bằng tiến sĩ.
Nhà giáo trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ áp dụng theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
![]() |
Quy định mới nhất về trình độ, bằng cấp với giáo viên theo Luật Nhà giáo 2025. Ảnh: Tổng hợp |
Ngoài ra, Chính phủ sẽ có quy định riêng về trình độ chuẩn đối với các nhóm giáo viên dạy môn học đặc thù, dạy tiếng dân tộc thiểu số; giảng dạy ngành, nghề thuộc lĩnh vực y tế, văn hóa, nghệ thuật, thể thao; hoặc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân.
Việc sử dụng giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn quy định sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể do Chính phủ ban hành. Trong thời gian này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn chi tiết cơ chế sử dụng các nhà giáo chưa đáp ứng đủ chuẩn.
Những quy định mới này nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo cả về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Bằng Đại học chuyên tu, vừa làm vừa học có đáp ứng yêu cầu?
Nhiều giáo viên bày tỏ băn khoăn trước quy định mới trong Luật Nhà giáo 2025 yêu cầu trình độ tối thiểu từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông là đại học. Câu hỏi được đặt ra là: nếu không tốt nghiệp hệ chính quy mà sở hữu bằng đại học hệ Vừa làm vừa học hoặc chuyên tu, liệu có đáp ứng yêu cầu về trình độ theo quy định hay không?
Theo quy định hiện hành, Luật Nhà giáo 2025 và các văn bản liên quan không đưa ra quy định riêng biệt về hình thức đào tạo đối với bằng đại học của giáo viên từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông.
![]() |
Như vậy, giáo viên từ Tiểu học, THCS, THPT sẽ phải có bằng Đại học, song không phân biệt hình thức đào tạo. Vì vậy, với những giáo viên đã tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học, liên thông,... vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc, được đứng lớp dạy bình thường. Ảnh minh hoạ |
Do đó, các văn bằng đại học Sư phạm hệ Vừa làm vừa học, chuyên tu hoặc các hình thức không chính quy khác vẫn được công nhận, miễn là đáp ứng yêu cầu về ngành đào tạo phù hợp và có đủ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (nếu cần), đảm bảo điều kiện chuyên môn để tham gia giảng dạy và thi viên chức.
>> Giáo viên mầm non sau khi tăng phụ cấp 45-80%, mức lương cao nhất là bao nhiêu?
Hơn 1 triệu giáo viên cả nước đón nhận tin vui trong năm 2025
Giáo viên phải ‘nằm lòng’ 5 lưu ý mới nhất về quy định dạy thêm, tránh để bị phạt tiền trong Hè này