Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới. Không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới thì cần hạ tầng mới, đó là hạ tầng số.
Lần đầu tiên, Việt Nam có một bản quy hoạch tổng thể hạ tầng TT&TT, với định hướng phát triển thành hạ tầng thế hệ mới, đồng bộ các hợp phần, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương. Từ đó, tạo ra không gian phát triển mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Xét trong quy hoạch tổng thể quốc gia, việc triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT được nhận định có vai trò quan trọng với sự phát triển tổng thể kinh tế xã hội Việt Nam. VietNamNet xin gửi tới quý độc giả tuyến bài về bức tranh hạ tầng TT&TT trong kỷ nguyên số.
>> Việt Nam phải cạnh tranh Thái, Singapore nếu muốn thành hub Internet toàn cầu
Bài 1: Quy hoạch hạ tầng TT&TT sẽ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
Bài 2: Việt Nam đặt mục tiêu vào top 10 nước dẫn đầu châu Á về tên miền
Không gian mới thì cần hạ tầng mới
Phát biểu về hạ tầng số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Đất nước phát triển thì phải dựa vào không gian mới. Không gian phát triển mới thì chủ yếu là không gian số. Không gian mới thì cần hạ tầng mới, đó là hạ tầng số. 10-20-30 năm tới sẽ là những chuyển dịch quan trọng trong công cuộc đổi mới lần thứ hai của ngành: Từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số”.
Do vậy, Quy hoạch hạ tầng thông tin truyền thông cũng đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số. Theo đó, mạng viễn thông băng rộng cần dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại, hạ tầng Internet vạn vật (IoT) được tích hợp rộng rãi, bảo đảm phát triển hài hòa, phục vụ tốt chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và an ninh - quốc phòng.
Việt Nam sẽ hình thành các trung tâm dữ liệu quy mô lớn, theo tiêu chuẩn xanh, bám sát quy hoạch vùng năng lượng; bảo đảm các trung tâm dữ liệu được kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông và có khả năng dự phòng lẫn nhau, thúc đẩy phát triển công nghiệp dữ liệu lớn; nâng cao hiệu suất và khai thác hiệu quả các trung tâm dữ liệu hiện có.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ ưu tiên, khuyến khích sử dụng điện toán đám mây do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ, phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu một cách linh hoạt, ổn định và hiệu quả, tuân thủ chặt chẽ quy định về an toàn thông tin mạng.
Sẽ phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế
Đại diện Cục Viễn thông cho hay, Quy hoạch hạ tầng TT&TT xác định định hướng phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, trong đó, mạng viễn thông băng rộng bảo đảm dung lượng lớn, tốc độ cao, công nghệ hiện đại.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đến năm 2030, phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế. Theo nội dung Quy hoạch, cần thực hiện triển khai, đầu tư thêm từ 4 - 6 tuyến cáp quang biển phục vụ nhu cầu trong nước và đáp ứng yêu cầu trung tâm dữ liệu khu vực, có điểm cập bờ tại các vị trí thuận lợi dọc bờ biển, ưu tiên các vị trí đã có các trạm cập bờ, có kết nối tới các huyện đảo, đảo lớn của Việt Nam. Trong đó, quy hoạch 1 tuyến cáp quang tại khu vực vịnh Thái Lan, dự kiến đặt trạm cập bờ tại địa điểm thuộc hành lang kinh tế Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau, có kết nối ra huyện đảo Phú Quốc và các đảo lớn của Việt Nam, ưu tiên các đảo có điện lưới.
“Việc phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế như phương án của quy hoạch sẽ đa dạng các hướng kết nối, cân bằng tải cho các tuyến cáp viễn thông trên biển hiện đang sử dụng, đảm bảo an toàn mạng lưới, tối ưu chất lượng dịch vụ, tiến tới làm trung gian trung chuyển lưu lượng Internet cho các nước trong khu vực”, đại diện Cục Viễn thông nói.
50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây
Theo đánh giá của Cục Viễn thông, về cơ bản, hạ tầng kết nối của Việt Nam là rất tốt. Tuy nhiên, xét về hạ tầng điện toán đám mây, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Hiện nay, hạ tầng điện toán đám mây của Việt Nam chủ yếu đang do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp, với khoảng 80% thị phần nằm trong tay các nhà cung cấp nước ngoài như Google, Amazon...
Với định hướng phát triển điện toán đám mây, hướng tới doanh thu từ thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đạt tối thiểu 1% GDP (khoảng 4,7 tỷ USD) vào năm 2025 là một con số tham vọng. Việc phấn đấu đạt mục tiêu trên sẽ mở ra thị trường lớn cho các doanh nghiệp trong nước.
Theo quy hoạch, Việt Nam sẽ có 100% cơ quan, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp. Để đạt được mục tiêu này, Nhà nước sẽ có những giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ ban hành nhiều chính sách phát triển điện toán đám mây trong nước.
Mục tiêu đến năm 2025:
- 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s và có 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s.
- Mạng băng rộng di động tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G và 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh.
- 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s
- 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.
- 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT.
- 100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số và 70% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
- Việt Nam sẽ triển khai, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế.
- Triển khai các trung tâm dữ liệu quốc gia, tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng và 1 - 2 trung tâm dữ liệu khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2030:
- Việt Nam sẽ có hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s
- Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo.
- 100% cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp.
- Phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế.
- Phát triển các cụm trung tâm dữ liệu quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm trung tâm dữ liệu nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 3 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia.
>> Việt Nam chỉ có thể "đi tắt, đón đầu" bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Việt Nam và Benya Group thúc đẩy hợp tác hạ tầng số, chuyển đổi xanh bền vững
Đẩy mạnh khai thác nguồn lực quốc tế để tăng tốc xây dựng hạ tầng số Việt Nam