Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, để có thể "đi tắt, đón đầu" như mục tiêu đặt ra vào các năm 2030, 2045, Việt Nam chỉ có thể thực hiện được bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Bộ TT&TT đóng góp lớn vào thành tích chuyển đổi số
Ngày 29/12, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với 66 điểm cầu trên toàn quốc.
Được chủ trì bởi Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Hội nghị còn có sự hiện diện của nhiều Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá: Cùng với mặt trận ngoại giao và lĩnh vực nông nghiệp, năm qua, chuyển đổi số cũng là lĩnh vực đã đạt nhiều thành tích. Kết quả này có sự đóng góp lớn của Bộ TT&TT và các đơn vị trực thuộc.
Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của "nghề" TT&TT, song Phó Thủ tướng cũng chia sẻ về những áp lực lớn của ngành. "Nghề" TT&TT, theo Phó Thủ tướng là “oai, oách, sang trọng” vì làm những việc hiện đại, đòi hỏi phải có tri thức, đồng thời đang nắm quyền lực rất lớn khi là quản lý truyền thông báo chí.
Phó Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số sẽ là giải pháp của Việt Nam trong câu chuyện cải cách hành chính và đặc biệt là thực hiện mục tiêu đi tắt đón đầu vào các năm 2030, 2045. “Chúng ta chỉ có thể đi tắt đón đầu bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng nêu quan điểm.
Điểm ra hành trình 4 năm triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, năm thứ nhất 2020 là năm khởi động chuyển đổi số, năm thứ hai 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số trên toàn quốc để phòng chống Covid-19, năm thứ ba 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia và năm thứ tư 2023 là năm dữ liệu số. “Đã đến lúc và đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng khẳng định, kinh tế số là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. Kinh tế số của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP, và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Đặc biệt, kinh tế số còn giúp tăng năng suất lao động, vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động.
Với năm 2023, phim tổng kết cũng như báo cáo trung tâm của Hội nghị đã cho thấy, ngành TT&TT đã đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng và hoàn thiện thể chế, bưu chính, viễn thông, chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ số, an toàn thông tin mạng, kinh tế số và xã hội số, công nghiệp công nghệ số, báo chí truyền thông, xuất bản.
Theo thống kê, doanh thu toàn ngành TT&TT năm 2023 ước đạt trên 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022; nộp ngân sách Nhà nước ước đạt 99.323 tỷ đồng, tăng 1,31%; đóng góp vào GDP của ngành TT&TT ước đạt 887.398 tỷ đồng, tăng 1,34% so với năm 2022.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá: Thời gian vừa qua và đặc biệt trong năm 2023, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban trong các hoạt động giám sát cũng như các hoạt động lập pháp. Ngành TT&TT đã kiên định thực hiện các quan điểm “Thể chế và công nghệ là động lực để chuyển đổi số”, “Thể chế cần đi trước một bước”, “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là công nghệ”.
Năm 2023, Bộ TT&TT đã tập trung sức lực, chỉ đạo sát sao, tham mưu và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua 2 dự án Luật hết sức quan trọng, đó là Luật Giao dịch điện tử và Luật Viễn thông (sửa đổi). Chỉ ra những điểm mới nổi bật của 2 luật này, ông Lê Quang Huy cũng nhận xét: Với 3 luật Giao dịch điện tử, Viễn thông sửa đổi và Tần số vô tuyến điện sửa đổi (được Quốc hội thông qua năm 2022), thể chế cho chuyển đổi số đã cơ bản được hình thành và đang dần hoàn thiện.
Tại Hội nghị, ghi nhận và tôn vinh những tổ chức, cá nhân đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của ngành TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã tặng Bằng khen cho 15 tập thể, cá nhân. Trong đó, nhà báo Nguyễn Thị Hào (bút danh Linh Đan) của báo VietNamNet được vinh danh với bài báo “Lần đầu tiên xuất hiện cuốn truyện tranh tài chính cho gia đình Việt”, tác phẩm bám sát chỉ đạo của Bộ TT&TT về việc có các tác phẩm báo chí giới thiệu cuốn sách hay, hấp dẫn, giúp sách đến với bạn đọc.
Chuyển đổi số sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong năm 2024
Tinh thần đổi mới cách làm cũng được Bộ TT&TT áp dụng với hoạt động tổng kết công tác năm nay, khi tổ chức trước một buổi trao đổi, đối thoại nội bộ trong ngành để giải quyết các vấn đề vướng mắc vào sáng 28/12, dành nhiều thời gian tại hội nghị ngày 29/12 cho tham luận của các bộ, ngành, địa phương.
Trao đổi về chuyển đổi số ngành du lịch, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng mong muốn phát triển các nền tảng số về du lịch, bảo tàng, di sản để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu riêng biệt của từng du khách. Song song với đó là kết nối các cơ sở dữ liệu tại địa phương, hình thành hệ sinh thái du lịch và đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng kỳ vọng ngành sẽ có thêm các nền tảng, hệ sinh thái để ứng dụng công nghệ số. Ngành xây dựng còn đề xuất hình thành cơ sở dữ liệu số phục vụ quản lý quy hoạch, phát triển đô thị và đẩy nhanh tiến độ cho ra đời bộ tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh.
Với Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho hay, sau khi phát triển thành công trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán với nhiều kết quả ấn tượng, đơn vị này đang hướng tới việc quy hoạch hạ tầng CNTT để phục vụ chuyển đổi số tòa án, thiết kế mô hình tòa án điện tử. Đây cũng là cam kết của ngành Tòa án Việt Nam với Hội đồng Chánh án các nước ASEAN.
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Điện Biên đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh, từ năm 2024, Trung tâm IOC của Điện Biên sẽ sử dụng AI để phân tích và đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho lãnh đạo các cấp tại địa phương. Tỉnh cũng tiếp tục triển khai mô hình kết hợp giữa Tổ Công nghệ số cộng đồng với các doanh nghiệp để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng trên nền tảng công nghệ số.
Về báo chí truyền thông, năm 2024 là năm Chính phủ dự kiến trình Quốc hội đề nghị sửa đổi Luật Báo chí. Sau 6 năm thi hành, Luật Báo chí năm 2016 đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, vừa kìm hãm sự phát triển báo chí, vừa gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh khuyến nghị Bộ TT&TT trong năm 2024, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho hoạt động báo chí, xuất bản phát triển.
“Quốc hội khuyến khích Bộ TT&TT có cơ chế chính sách hỗ trợ, tăng cường đầu tư của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành báo chí, xuất bản, tăng chi đầu tư để xây dựng và phát triển các nền tảng dùng cho báo chí”, ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Đồng quan điểm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cũng đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện và tháo gỡ những cơ chế, vướng mắc, khó khăn để báo chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng quan trọng, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng của Đảng.
Tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Về phương hướng của ngành TT&TT trong năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, trong phiên họp tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động; là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất; năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo để giảm tải và tăng năng suất, chất lượng cho cán bộ, công chức.
Cùng với đó, báo chí xuất bản và truyền thông trong năm tới sẽ coi không gian mạng là trận địa chính để phản ánh dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý đội ngũ những người làm TT&TT các từ khóa chính gồm sáng tạo, thể chế, tiền và tử tế.
Cho biết bản thân thích nhất câu “Đối với những việc khó, chúng ta phải có cách tiếp cận, cách xử lý khác” của Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng cho rằng để giải quyết một việc khó theo cách tiếp cận khác là hoàn toàn không dễ. Bởi lẽ, không chỉ phải thay đổi tư duy, cách làm của mình, mà còn phải làm sao để mọi người thay đổi theo mình, mặt khác hành lang pháp lý và thói quen của mọi người chưa đáp ứng mong muốn của mình.
Chỉ ra 3 cách có thể áp dụng với câu chuyện chuyển đổi số, Chính phủ số là tạo ra sự hứng khởi, thú vị để mọi người làm theo, vận động thuyết phục và ép bằng quy định, Phó Thủ tướng nêu quan điểm: Bộ TT&TT cần sáng tạo, có cách làm mới, biết lúc nào vận động thuyết phục, lúc nào tạo cảm hứng, và khi nào thì ép. “Tôi nghĩ trong giai đoạn này có những việc mong các đồng chí phải ép, không ép không xong”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Nhấn mạnh vấn đề xây dựng và hoàn thiện thể chế, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh việc làm nhanh, kịp, đáp ứng được thời gian thì còn cần phải hết sức chuẩn mực. Và quan trọng hơn, với một lĩnh vực hết sức đặc biệt, cần có những cơ chế đặc thù cho nó. Bởi nếu không có đặc thù, đặc biệt, sẽ không thể nào giải quyết được vấn đề. Phó Thủ tướng cũng cam kết đồng hành cùng Bộ TT&TT trong hành trình này.
Đề cập vấn đề kinh phí, bên cạnh việc nêu gợi ý một số việc để có ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, để huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, cần có cơ chế. Ngành TT&TT có nhiều doanh nghiệp mạnh như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT... có nguồn lực có thể huy động được, nếu có được một cơ chế chính sách đúng hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của cộng đồng
Với lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng chỉ đạo, quản lý bảo chí tuyệt đối không được chủ quan, cần lưu ý việc chấm dứt tình trạng ‘đánh đấm’ của báo chí và nâng chất lượng cạnh tranh để đội ngũ làm báo sống được với nghề; trước hết, phải thực hiện giai đoạn 2 của đề án sắp xếp lại các cơ quan báo chí, sẽ kết thúc vào năm 2025. Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải quan tâm nhiều hơn đến sách, đến hoạt động của nhà xuất bản.
Đại diện lãnh đạo Chính phủ mong muốn người làm TT&TT tử tế với công việc, là sự nghiêm túc, trách nhiệm, tận tâm, nỗ lực, cố gắng; tử tế với các đối tượng quản lý, cần có sự chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ; tử tế với đối tác là các bộ, ngành, địa phương khi hỗ trợ các đơn vị làm chuyển đổi số; tử tế với nhân sự dưới quyền để mọi người cùng có trách nhiệm, chia sẻ rủi ro và lợi ích; tử tế với pháp luật, thượng tôn pháp luật.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định Bộ TT&TT tiếp thu sâu sắc các tư tưởng, chia sẻ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng, sẽ cụ thể hóa những chỉ đạo này thành kế hoạch hành động năm 2024 và quyết tâm hoàn thành.
“Với truyền thống “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình”, phương châm “Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá” cùng tinh thần “Nghĩ ngược lại và làm khác đi” của thời chuyển đổi số, toàn ngành TT&TT hứa sẽ hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 - năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 – 2025”, người đứng đầu ngành TT&TT cam kết.
Quy định mới giúp giảm thiểu các hành vi tiêu cực trên không gian mạng
Hơn 82% hộ gia đình Việt Nam đã có Internet cáp quang băng rộng