Quy hoạch xây dựng tại Bình Dương: Khi nhà máy nằm giữa nhà dân

21-07-2023 09:39|Khắc Thành

Tại Bình Dương, tình trạng khu dân cư được quy hoạch ngay cạnh khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp xuất hiện rất nhiều. Khói bụi, tiếng ồn, mùi hôi từ các nhà máy thải ra hàng ngày ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Nhiều dự án khu dân cư tại Bình Dương chỉ cách nhà máy 1 bức tường.

Nhà máy nằm giữa nhà dân

Bình Dương từ nhiều năm nay được mệnh danh là “thủ phủ khu công nghiệp” với 29 khu, cụm công nghiệp lớn đang hoạt động trên địa bàn, chưa kể rất nhiều xí nghiệp, nhà máy hoạt động xen cài trong khu dân cư. Đi kèm với đó, hàng loạt khu dân cư, cả tự phát lẫn được quy hoạch sát vách khu công nghiệp, nhà máy cũng mọc lên như nấm sau mưa. Điều đáng nói là những dự án khu dân cư này được xây dựng sát vách nhà máy, khu công nghiệp, thậm chí nhiều nơi nhà máy cách nhà dân chỉ 1 bức tường.

Tại TP.Thuận An và TP.Dĩ An, tình trạng này xuất hiện nhiều nhất, các khu công nghiệp tại 2 địa phương này đa phần đã xuất hiện từ lâu, dẫn đến người dân cũng đến định cư đông đúc. Dạo quanh một vòng 2 khu đô thị này, đa phần các khu dân cư tại đây đều vây quanh khu công nghiệp, cùng với nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động đơn lẻ khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng.

Điển hình trong số này là Khu dân cư Lê Phong do Công ty Lê Phong làm chủ đầu tư, được xây dựng sau khi Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A (TP.Dĩ An) đã đi vào hoạt động. Khu dân cư quy hoạch ngay sát vách các nhà máy đang hoạt động, thậm chí nhà dân chỉ cách nhà máy Masan Industrial Corporation và khu xử lý chất thải của nhà máy này chỉ đúng 1 bức tường.

Hàng ngày, người dân phải chịu mùi hôi thối và khói bụi bốc ra từ nhà máy trong Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp A, nhiều người già và trẻ em mắc các bệnh về hô hấp. Từ nhiều năm nay, người dân sinh sống tại đây đã gửi đơn thư đến chủ đầu tư cùng nhiều cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Người dân đành chấp nhận “sống chung với lũ”, nhà ở luôn trong tình trạng cửa đóng then cài để hạn chế tiếng ồn, khói bụi, nhiều hộ dân do không chịu nổi mùi hôi đã treo biển bán nhà, chuyển đi nơi khác.

Dự án Stown Phúc An nằm sát nhà máy phụ kiện ô tô và chế biến gỗ. Ảnh: Một block của dự án đang làm móng.

Tương tự là Khu chung cư Stown Phúc An tại phường Dĩ An (TP.Dĩ An) được Công ty STC triển khai từ năm 2018 ngay bên cạnh 2 nhà máy sản xuất phụ kiện ô tô và chế biến gỗ, khoảng cách từ khu chung cư vào khu vực sản xuất của nhà máy chỉ tầm 50 mét, hiện nay dự án đã bàn giao và có cư dân vào ở.

Chị T., một cư dân cho biết: “hàng ngày, tiếng ồn từ máy móc và hoạt động sản xuất cùng với khói bụi, mùi hôi công nghiệp bay thẳng vào khu chung cư khiến người dân rất khó chịu, cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều và lo ngại lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe”. Một Block khác của dự án này đang làm móng cũng xây dựng sát vách 2 nhà máy nói trên. Cạnh đó là Khu dân cư Sóng Thần 2 cũng được quy hoạch san sát với Khu công nghiệp, nhà máy.

Ngoài TP.Dĩ An và TP.Thuận An, thì những khu đô thị công nghiệp mới như TX.Bến Cát, TP.Tân Uyên dù mới hình thành sau này và được quy hoạch bài bản hơn, nhưng cũng đã xuất hiện tình trạng như đã nói trên.

Di dời nhà máy khỏi khu dân cư rồi lại quy hoạch khu dân cư cạnh nhà máy

Trước tình trạng nhà xưởng, nhà máy, xí nghiệp đơn lẻ hoạt động xen giữa trong khu dân cư gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Từ năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết định thực hiện kế hoạch di dời các nhà máy, xí nghiệp này ra khỏi khu dân cư để gom vào hoạt động trong Khu công nghiệp. Kế hoạch này hiện nay vẫn đang được chính quyền tỉnh Bình Dương thực hiện.

Sau khi thực hiện di dời, nhiều khu đất do các nhà máy, xí nghiệp để lại được UBND tỉnh Bình Dương thu hồi, sau đó đa số được chuyển đổi thành khu dân cư cùng các công trình chỉnh trang đô thị và giao đất cho các doanh nghiệp bất động sản tư nhân thực hiện. Mặc dù chủ trương là tốt, nhưng những khu dân cư mới mọc lên từ các khu đất này lại được quy hoạch ngay sát các nhà máy, xí nghiệp hiện hữu, chưa di dời, khiến tình trạng này vẫn “bổn cũ soạn lại”.

Khu dân cư Phú Hồng Phát - Phú Hồng Lộc liên quan đến Công ty Phú Hồng Thịnh nằm giáp ranh một dãy nhà máy phía sau.

Trong số này, Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Hồng Thịnh của nữ doanh nhân Phạm Thị Hường cùng các doanh nghiệp liên quan là đơn vị được hưởng lợi nhiều nhất. Mặc dù từ năm 2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã nghiêm cấm không được hoán đổi đất, giao đất, cho thuê đất công ích, đất do Nhà nước quản lý,... mà không qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Nhưng bằng một cách nào đó, Phú Hồng Thịnh đã được giao đất để thực hiện dự án khu dân cư. Trong giai đoạn 2017 – 2019, hàng chục khu đất tổng diện tích hơn 50 ha, chủ yếu là thu hồi của các nhà máy đã di dời được giao cho Phú Hồng Thịnh. Sau đó, doanh nghiệp này đã thực hiện nhiều dự án khu dân cư tại các khu đất này và bán với giá 20 – 25 triệu đồng/m2. Dòng tiền khủng từ các dự án này biến Phú Hồng Thịnh từ một doanh nghiệp non trẻ, được thành lập năm 2013 nhưng chỉ sau 5 năm đã vươn lên thành doanh nghiệp bất động sản lớn nhất nhì tỉnh Bình Dương.

Điều đáng nói là rất nhiều dự án của Phú Hồng Thịnh triển khai trên đất các nhà máy, xí nghiệp đã di dời nhưng sau khi xây dựng xong khu dân cư mới này lại nằm cạnh các nhà máy, xí nghiệp khác. Điển hình như các dự án của Phú Hồng Thịnh tại TP.Dĩ An và Thuận An như Phú Hồng Thịnh 5, Icon Central, Lộc Phát Residence, Phú Hồng Khang – Phú Hồng Lộc,... nằm lọt thỏm giữa các nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động.

Quy định về khoảng cách đảm bảo an toàn giữa các cơ sở sản xuất đến khu dân cư được thực hiện theo QCXDVN 01:2008/BXD Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (Quy hoạch xây dựng) được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 3/4/2008. Theo đó, các quy hoạch xây dựng, quản lý phải tuân thủ các quy định chuyên ngành về khu vực bảo vệ và khoảng cách ly vệ sinh, an toàn, bao gồm khoảng cách ly giữa khu dân dụng (khu dân cư, công cộng, công sở, trường học,...) với xí nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,...

Khoảng cách của các xí nghiệp, kho tàng được thực hiện theo TCVN 4449-1987, theo đó đối với các xí nghiệp độc hại cấp I, khoảng cách tối thiểu là 1.000 mét, với các xí nghiệp độc hại cấp II, khoảng cách an toàn là 500 mét. QCVN 01:2008/BXD cũng quy định tùy theo mức độ độc hại về môi trường, giữa các công trình công nghiệp và khu dân cư phải có dải cách ly vệ sinh, trong dải cách ly vệ sinh tối thiểu 50% diện tích đất phải được trồng cây xanh,....

Các quy định pháp luật có liên quan cũng nhắc đến khoảng cách an toàn giữa khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp với khu dân cư. Tuy nhiên, trong quy hoạch xây dựng tại Bình Dương thời gian qua, khoảng cách an toàn này vẫn là vấn đề nhức nhối.

Profile của doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc cùng Vingroup (VIC) thực hiện dự án gần 20.000 tỷ đồng

Huyện trẻ tuổi của tỉnh giàu có nhất Việt Nam tương lai ‘cất cánh’ lên thị xã và đẩy mạnh loạt dự án giao thông quan trọng

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/quy-hoach-xay-dung-tai-binh-duong-khi-nha-may-nam-giua-nha-dan-post136538.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quy hoạch xây dựng tại Bình Dương: Khi nhà máy nằm giữa nhà dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH