Quỹ tín dụng 'kêu cứu'
Đây là kênh huy động vốn hiệu quả của Nhà nước, đặc biệt là tại các vùng nông thôn nơi người dân chưa có thói quen giao dịch với ngân hàng.
Ngày 22/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị về tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (Quỹ tín dụng) trên địa bàn năm 2024.
Quỹ Tín dụng một mô hình kinh tế tập thể trong ngành ngân hàng, hoạt động phải bám sát chính quyền cơ sở để hỗ trợ từ người buôn thúng, bán bưng, để các hộ kinh doanh cá thể… góp phần xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ đời sống và hạn chế tín dụng đen.
Song các Quỹ cho rằng, họ đang gặp sự cạnh tranh mạnh từ các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty công nghệ tài chính (fintech) vượt trội về nhân lực, công nghệ, chất lượng dịch vụ, thương hiệu.
Theo thống kê, tổng vốn huy động của các Quỹ tín dụng tại TP. Hồ Chí Minh đến 30/6/2024 đạt 1.883 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng hạn chế, đạt 1.525 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tiền gửi tại Ngân hàng hợp tác xã đạt 559 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cuối năm 2023.
Theo các Quỹ Tín dụng, trong nửa đầu năm 2024, do tình hình kinh tế khó khăn người lao động mất việc làm ảnh hưởng tới thu nhập kéo theo nhu cầu vay vốn giảm mạnh so với cùng kỳ.
Ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đánh giá, 19 Quỹ Tín dụng trên địa bàn hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, cơ bản bám sát kế hoạch đã xây dựng tại phương án cơ cấu lại. Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh một số tồn tại, vi phạm như: hiện tượng mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ trong quản trị, điều hành Quỹ đã dẫn đến các vi phạm trong hoạt động, khiến các chỉ tiêu hoạt động của Quỹ ngày càng suy giảm.
Hội nghị về tăng cường công tác quản lý đối với hệ thống QTDND trên địa bàn TP. HCM năm 2024 |
Ông Trịnh Văn Sáng - Giám đốc Quỹ Tín dụng Đông Sài Gòn cho biết, Quỹ đã phát triển App để tạo thuận lợi cho khách hàng tiền gửi, tiền vay và đang hướng tới phần mềm quản lý dư nợ cho vay.
Quỹ Đông Sài Gòn, kiến nghị Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co.opBank) tạo điều kiện cho các Quý mở rộng cho vay thấu chi. Quỹ cũng kiến nghị NHNN nới lỏng quy định về người liên quan trong quy chế cho vay không quá 1% vốn tự có, trong khi các Quỹ có vốn nhỏ nên tỷ lệ này tương đương với những khoản vay trên 100 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Oanh, chủ tịch HĐQT Quỹ Tây Sài Gòn cho biết, hoạt động trên địa bàn 3 xã (Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Phạm Văn Hai) Quỹ luôn tuân thủ mục đích tương trợ giữa các thành viên, giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen, tạo công ăn việc làm cho thành viên.
Nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh của các cá nhân và các hộ gia đình vô cùng lớn. Nhưng theo tính chất hoạt động cho vay của Quỹ, người dân trên địa bàn phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú, đồng thời phải sinh sống và thực hiện hoạt động sản xuất tại địa phương mới có thể cầm cố, thế chấp tài sản để vay vốn.
Tuy nhiên đa số người dân trên địa bàn của Quỹ Tây Sài Gòn là dân nhập cư, chỉ đăng ký tạm trú mà không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nên không thể đứng tên trên “sổ đỏ” để vay vốn khi có nhu cầu. Đây là điểm bất lợi vô cùng lớn đối với người dân có nhu cầu sử dụng vốn vay cũng như hoạt động kinh doanh và phát triển của Quỹ.
Tại Hội nghị, ông Võ Minh Tuấn - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã giải đáp các thắc mắc của Quỹ Tín dụng và lưu ý các Quỹ bám sát các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động. Luật các Tổ chức tín dụng ban hành có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, do đó các Quỹ cần rà soát các quy định để cập nhật cơ chế chính sách mới.
>> Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, nguy cơ đạt đỉnh vào quý III
Khẩn cấp: Cảnh báo mạo danh NHNN gửi link cập nhật thông tin sinh trắc học
Bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam: Lỗ lũy kế 'khủng' 5.800 tỷ đồng