Tài chính Ngân hàng

Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, nguy cơ đạt đỉnh vào quý III

Lâm Anh 23/08/2024 10:10

Chuyên gia cho rằng, chi phí dự phòng dự kiến vẫn tăng so với 2023 do nợ xấu toàn ngành vẫn trong đà tăng.

Theo Báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng mới đây, VPBankS cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2024 toàn ngành đạt 6,1% tương đương 41% kế hoạch Chính phủ đề ra (15%). Trong nửa cuối năm 2024, để hoàn thành mục tiêu, nền kinh tế cần đẩy thêm 8,73% tương đương với 1.184.995 tỷ.

Theo đó, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm là các ngân hàng bán buôn như LPB, TCB và các ngân hàng bán lẻ có thế mạnh ở khu vực miền nam như ACB, HDB.

VPBankS nhận định rằng, tăng trưởng tín dụng 14-15% năm là thách thức lớn do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Thêm nữa, khi tăng trưởng tín dụng được coi là một tiêu chí để đánh giá ngân hàng làm cơ sở giao room tín dụng cho năm tiếp theo cũng sẽ gián tiếp khiến các ngân hàng cố gắng đẩy hết room tín dụng.

Khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững, có thể dẫn đến bất ổn kinh tế, áp lực lạm phát cao và các vấn đề về nợ xấu tồn đọng khó xử lý hơn. Việt Nam đang tiệm cận tới mức của các đất nước phát triển như Úc, Trung Quốc, Thái Lan, và còn đang cao hơn rất nhiều so với các nước có nền kinh tế tương đồng như Indonesia hay Philippines.

VPBankS cũng cho rằng, nợ xấu vẫn là rủi ro lớn nhất. Chi phí dự phòng dự kiến vẫn tăng so với 2023 do nợ xấu toàn ngành vẫn trong đà tăng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung do tình hình thu hồi nợ xấu chưa có nhiều phục hồi tích cực, đặc biệt là khoản nợ xấu xuất phát từ ngân hàng SCB.

Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, sẽ đạt đỉnh vào quý III
Toàn cảnh nợ xấu ngành ngân hàng (Nguồn: VPBankS)

Do hết quý II/2024, nợ xấu nội bảng NPL toàn ngành đang ở ngưỡng 4,56%, tăng 8,6% từ đầu năm nhưng nếu bóc tách nợ xấu của 5 tổ chức tín dụng (TCTD) thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn dưới 3%. NPL toàn ngành niêm yết đang ở mức 2,2%, tăng 29 điểm % từ đầu năm.

Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, sẽ đạt đỉnh vào quý III
Cơ cấu nợ quá hạn theo nhóm nợ (Nguồn: VPBankS)

Điểm sáng là trong quý II, có 20/27 ngân hàng đều ghi nhận giảm nợ nhóm 2 so với quý trước. Các ngân hàng cũng hầu hết lựa chọn phương án chủ động trích lập sớm nên VPBankS kỳ vọng đỉnh của nợ xấu trong năm 2024 sẽ rơi vào quý III. Dù vẫn trong tầm kiểm soát song là thách thức lớn khi Luật các TCTD 2024 đã hạn chế quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các TCTD.

Chuyên gia: Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, nguy cơ đạt đỉnh vào quý 3
Lãi, phí phải thu tăng đột biến ở một số ngân hàng bán buôn (Nguồn: VPBankS)

Lãi phải thu tiềm ẩn rủi ro nợ xấu không được phản ánh đầy đủ khi lợi nhuận được ghi nhận khi trên thực tế chưa thu được tiền về.

>> VIS Rating: Các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với nhiều vấn đề về nợ xấu, rủi ro thanh khoản

Top 10 đồng tiền có giá trị cao nhất thế giới năm 2024

VIS Rating: Các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với nhiều vấn đề về nợ xấu, rủi ro thanh khoản

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/no-xau-van-la-qua-bom-kinh-te-se-dat-dinh-vao-quy-iii-246350.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nợ xấu vẫn là 'quả bom' kinh tế, nguy cơ đạt đỉnh vào quý III
POWERED BY ONECMS & INTECH