Ricons kiện Coteccons: Nước cờ hiểm trước ngày mở gói thầu 35.200 tỷ dự án sân bay Long Thành
Coteccons (CTD), Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho từng đứng chung trên một chiến hào. Tuy nhiên những tranh chấp ghế quyền lực nhiều năm về trước đã đẩy các bên về hai đầu chiến tuyến.
Mùa mưa đến sớm...
CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CTD - HOSE) vừa công bố thông tin về việc nhận được thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án Nhân dân TP. HCM về Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Xây dựng Ricons.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án như: dự án Regina Hưng Yên, Thiết kế dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Bên cạnh đó, một số dự án Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong như: Dự án Newtaco, Dự án Regina Giai đoạn 4, nhà xưởng Regina Miracle, Regina Giai đoạn 6, Dự án Regina Hưng Yên, dự án nhà máy Vinfast, dự án Simco.
Thuyết minh chi tiết khoản "đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" và "phải trả người bán ngắn hạn" của Coteccons tính đến cuối quý 1/2023
Ghi nhận tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2020 của CTD (thời điểm ông Nguyễn Bá Dương chính thức rời Coteccons), công ty cũng chính thức ghi nhận khoản "đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" tại CTCP Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons với số tiền gần 302 tỷ đồng (chiếm 14,3% vốn Ricons).
Trong khi đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn tại Ricons thời điểm 31/12/2020 ghi nhận mức 226 tỷ đồng - giảm 62% so với cuối năm 2019.
Trong thông cáo báo chí công bố đồng thời với công bố thông tin Coteccons cho rằng, công ty có tổng tài sản 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Do đó, CTD được đánh giá là công ty xây dựng có nền tảng tài chính rất vững mạnh.
Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai Công ty. Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Coteccons đã nhiều lần yêu cầu các cuộc họp trực tiếp và văn bản nhưng Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
... Trước ngày công trường khởi động
Coteccons nhấn mạnh thời điểm hiện tại công ty đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà chúng tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.
19 năm hoạt động, 2 năm tái cấu trúc, chúng tôi đã chọn cho mình một con đường rất khác, bước ra khỏi các thủ thuật cạnh tranh bằng “tin đồn” và cuộc chiến về giá, quyết định đó khiến chúng tôi trăn trở về ngành xây dựng và quyết liệt thay đổi.
Do đó, Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons.
Được biết, liên danh Hoa Lư (do Coteccons đứng đầu) và liên doanh nhà thầu khác gồm Vinaconex (VCG), CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC); Ricons, Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), Newtecons, Tổng CTCP Xây dựng Hà Nội (HAN),... là 2 trong số 3 liên doanh nhà thầu tham gia đấu thầu gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành có trị giá 35.200 tỷ - đây là một phần trong siệu Dự án Cảng hàng không Sân bay quốc tế Long Thành (tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ) được xem là dự án trọng điểm quốc gia.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng gói thầu LTA 5.10 triển khai chậm, không đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội. Thủ tướng yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm lựa chọn nhà thầu phù hợp.
Cùng liên quan đến gói thầu này, liên danh Hoa Lư mới đây đã cam kết hoàn thành việc xây dựng nhà ga sân bay Long Thành trong 36 tháng.
Cuộc chiến "bẩn"?
Ngay sau thông cáo của Coteccons, trên mạng xã hội Facebook, một tài khoản có tên Bolat Duisenov đăng tải trạng thái với thông điệp "fairplay".
Trạng thái có đoạn: "Không biết từ khi nào, thế giới của ngành xây dựng Việt Nam tồn tại lý lẽ: xem sự thất bại, tin xấu, những vấn đề trong quá trình giao dịch vận hành của ai đó là cơ hội của ình, không phải tất cả nhưng hầu hết là như vậy. Chúng tôi biết trong quá trình chuyển đối tái cấu trúc Coteecons vừa qua, có rất nhiều đôú thủ lợi dụng để thêu dệt nên những tin/bài tiêu cực; họ chia sẻ, truyền tai nhau, biến đó thành cơ hội của chính họ. Chiến thắng từ thất bại của ai đó, chúng tôi cho rằng, liệu có phải là cách để nuôi dưỡng ngành xây dựng lớn mạnh và phát triển bền vững hay không?"
Thời gian qua, nhóm Hoa Lư đã có nhiều động thái chứng minh năng lực tài chính và thi công phục vụ quá trình dự thầu gói thầu LTA 5.10
Mặc dù tính toán của VCSC trình bày một phạm vi khá lớn của phần giá trị backlog được phân bổ cho từng nhà thầu (từ 10% đến 100%) và biên lợi nhuận ròng trên phần giá trị backlog được phân bổ (từ 1% đến 10%), VCSC kỳ vọng phạm vi hợp lý của hai biến số này là tối đa 50% đối với giá trị backlog và tối đa 3% đối với biên lợi nhuận ròng trên giá trị backlog, tức tương đương khoản lợi nhuận 525 tỷ đồng mà một nhà thầu cụ thể trong liên danh có thể thu được khi hoàn thành gói thầu LTA 5.10.
VCSC lưu ý rằng ước tính này là cho tổng lợi nhuận từ việc hoàn thành gói thầu 5.10. Mức lợi nhuận này là tương đối lớn so với lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 - 2022 của CTD (264 tỷ đồng), HBC (lỗ ròng 133 tỷ đồng) và VCG (866,3 tỷ đồng).
Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho LTA giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027 tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Xem thêm: Coteccons (CTD): Tin đồn xuất hiện, cổ phiếu chính thức vào pha điều chỉnh?