Robot dưới nước phát hiện núi lửa bùn đang hoạt động ẩn dưới đáy hồ sâu nhất hành tinh
Máy quay gắn trên robot tự động dưới nước đã ghi lại cảnh các vết nứt liên quan đến núi lửa bùn gần một đứt gãy có khả năng đang hoạt động dưới lòng hồ.
Hồ Baikal nằm ở phía nam vùng Đông Siberia thuộc Nga, với diện tích 31.500 km2, là hồ nước ngọt lớn nhất tính theo thể tích, chứa khoảng 22-23% tổng lượng nước ngọt trên bề mặt Trái Đất. Đây cũng là hồ sâu nhất trên hành tinh, với điểm sâu nhất đạt đến 1.642m. Ngoài ra, hồ Baikal còn được biết đến là một trong những hồ nước có tuổi đời lâu đời nhất và có nước trong nhất trên thế giới. UNESCO đã công nhận hồ Baikal là Di sản thế giới vào năm 1996.
Một robot được các nhà khoa học lắp đặt dưới đáy hồ Baikal vào mùa hè năm ngoái đã ghi lại cảnh các vết nứt và biến dạng do núi lửa bùn chưa được biết đến trước đây gây ra.
Robot đã phát hiện ra những dấu vết để lại do bùn phun trào ở độ sâu từ 340 đến 540 feet (100-165 m) ở hai địa điểm là vịnh Malaya Kosa và vịnh Goryachinskaya, nằm dọc theo bờ phía tây bắc của hồ.
Mặc dù trước đây, các nhà khoa học đã biết hồ Baikal chứa đựng những ngọn núi lửa bùn, nhưng phát hiện mới nhất nằm rất gần một vùng đứt gãy được gọi là Severobaikalsk, hay đứt gãy Bắc Baikal, dọc theo bờ hồ. Dấu hiệu của những vụ phun trào gần đây ở đáy hồ có thể cho thấy đường đứt gãy vẫn đang hoạt động.
Núi lửa bùn là biểu hiện bề mặt của các quá trình địa chất sâu hơn và được hình thành do bùn và khí phun trào từ bên dưới. Theo Oksana Lunina, một nhà địa chất, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Vỏ Trái đất ở Chi nhánh Siberia của Siberia, các miệng hố dọc theo bờ phía tây bắc hồ Baikal "đánh dấu các vết nứt chạy song song với đứt gãy Severobaikalsk" và cho thấy đường đứt gãy này "còn tồn tại". Viện Hàn lâm Khoa học Nga (SBRAS) cũng đã tham gia nghiên cứu.
Hai địa điểm nơi các nhà nghiên cứu triển khai robot hoặc phương tiện tự động dưới nước (AUV) cho thấy các lớp đá bị nứt nẻ mạnh được bao phủ bởi đất sét, trầm tích mềm và trầm tích phun trào. Theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 10/2023 trên Tạp chí Doklady, ở vị trí cực bắc của vịnh Goryachinskaya, nơi đoạn phim được ghi lại, các miệng núi lửa sâu khoảng 430 feet (130m) đang ngập một "khối bùn", cho thấy một vụ phun trào đã xảy ra gần đây.
Đoạn phim cho thấy các lớp đá xẻ sâu bị đẩy lên do bùn và chất lỏng bão hòa. Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng các tảng đá dường như đã bị "ép ra" từ bên dưới, còn bụi đất sét và phù sa phía trên trông có vẻ xốp và bị xáo trộn.
*Theo Live Science