Tài chính Ngân hàng

Room tín dụng

Từ Giang 08/11/2023 - 11:04

Trong phiên chất vấn ở Quốc hội đang diễn ra, vấn đề room tín dụng lại một lần nữa được các đại biểu nêu lên với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Chủ đề về room tín dụng và những vấn đề của nó đã từng được các đại biểu nêu nên trong kỳ họp thứ 3 giờ này năm ngoái, được đại biểu Nguyễn Quang Huân - Bình Dương – nhắc lại sáng 6/11.

Ông chất vấn: “Kính thưa Thống đốc, Nghị quyết 62/QH15 của kỳ họp thứ 3 có nêu "nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng". Xin Thống đốc cho biết lộ trình thực hiện thực tế như thế nào?"

Trên thực tế, Nghị quyết số 62/2022/QH15 đặt ra yêu cầu với ngành ngân hàng: Xây dựng tiêu chí, phương thức xác định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng, bảo đảm thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với tiêu chuẩn Basel II và các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng. Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng.

chi hong 1215.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 6/11. (Ảnh: quochoi.vn).

Tại buổi chất vấn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời, room tín dụng là một trong những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước kết hợp với các công cụ chính sách khác.

Bà nói, Ngân hàng Nhà nước điều hành chỉ tiêu này bám sát theo chỉ đạo của Nghị quyết 62 của Quốc hội và các chỉ đạo của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tăng trưởng tín dụng hàng năm hồi đầu năm và phân bổ dựa trên cơ sở xếp hạng các tổ chức tín dụng theo Thông tư 52.

Bà giải thích, sau khi có Nghị quyết 62 của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tọa đàm với các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bà nói: “Trong tọa đàm cũng thống nhất được ở thời điểm này cũng chưa thể bỏ điều hành tăng trưởng bởi vì hiện nay nhu cầu vốn của nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng. Nếu chúng ta bỏ chỉ tiêu này có thể sẽ làm cho tăng trưởng tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cao và cảnh báo của World Bank. Cho nên, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện điều hành này. Đến thời điểm thuận lợi, đặc biệt khi các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu trung, dài hạn của doanh nghiệp, thì khả năng bỏ chỉ tiêu này sẽ khả thi hơn”.

Sau giải thích của Thống đốc, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị - xin tranh luận. Ông nói: “Tôi xin tranh luận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề room tín dụng. Tôi còn nhớ Nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ ba năm 2022 yêu cầu phải bỏ room tín dụng. Qua trả lời chất vấn của Thống đốc sáng hôm nay, Thống đốc nói chưa thể bỏ room tín dụng được. Hiện nay, các phân khúc khác của thị trường tài chính như trái phiếu doanh nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu trung và dài hạn của doanh nghiệp nên không thể sớm thành hiện thực vấn đề này. Tôi đề nghị Thống đốc cho biết, việc duy trì room tín dụng có nguy cơ tạo cơ chế xin - cho và nảy sinh các tiêu cực khác hay không? Nếu bỏ, lúc nào bỏ được room tín dụng này?”.

Trả lời chất vấn, Thống đốc cho biết, hiện nay, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng; tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP hiện nay của Việt Nam là trên 120% GDP, đang ở mức cảnh báo theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

Bà nói: “Cho nên, nếu chúng ta bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không áp dụng nữa có thể tín dụng sẽ tăng rất mạnh”. Bà nói tiếp, trong những giai đoạn trước đây tín dụng tăng mỗi năm là 30%/năm, cá biệt năm 2007 tăng đến 53,8%, việc này cũng có thể là rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Những vấn đề của các đại biểu nêu ra là rất căn cốt. Ở đâu cũng vậy, cứ còn cơ chế xin – cho là còn rủi ro. Trong các nền kinh tế thị trường trên thế giới, người không áp dụng tiêu chí này mà áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vốn theo quy định của Basel II.

Ở Việt Nam, đã có 85/92 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng chuẩn mực vốn theo Basel II và chỉ còn 7 ngân hàng chưa thực hiện. Tuy nhiên, room tín dụng – vốn được đưa ra năm 2011 – vẫn được duy trì, dù vẫn có các cơ quan thanh tra, giám sát và chế độ báo cáo nghiêm ngặt.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2022 của VCCI, sau khi khảo sát nhiều ngân hàng thương mại, đánh giá cơ chế ban hành, điều chỉnh room tín dụng toàn hệ thống và phân bổ room tín dụng cho từng ngân hàng cụ thể hiện nay "chưa rõ ràng".

Qua rà soát, VCCI nhận thấy, cơ sở pháp lý cho chính sách room tín dụng hiện nay rất mỏng. Ví dụ, điểm e khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định: “Tuỳ theo tính chất, mức độ rủi ro, Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng các biện pháp xử lý sau đây đối với đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng. Quyết định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với tổ chức tín dụng trong những trường hợp cần thiết bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng và hệ thống các tổ chức tín dụng”.

ngan hang.jpeg
Hiện nay, nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào kênh tín dụng ngân hàng. Ảnh minh hoạ: Lê Anh Dũng

Mặc dù vậy, quy định này không rõ là biện pháp giới hạn tăng trưởng tín dụng này sẽ được áp dụng rộng rãi, đại trà cho tất cả các tổ chức tín dụng hàng năm hay chỉ áp dụng cho một số tổ chức tín dụng mà qua thanh tra, giám sát phát hiện có rủi ro cao hoặc có hành vi vi phạm pháp luật. VCCI ghi nhận, theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước quyết định tăng trưởng tín dụng hàng năm của cả hệ thống ngân hàng và phân bổ hạn mức này cho từng ngân hàng cụ thể.

Ngoài quy định trên, qua rà soát của VCCI, hiện không có quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Điều này dẫn đến sự không rõ ràng, thậm chí có nguy cơ tùy nghi trong việc phân bổ giới hạn tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

VCCI cho rằng, Luật Tổ chức Tín dụng đang được xem xét, sửa đổi và đây có thể là một cơ hội để luật hoá chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng.

Một ví dụ minh họa cho room tín dụng, là tăng trưởng tín dụng toàn bộ hệ thống ngân hàng theo dự kiến đầu năm 2022 là 14%, sau được điều chỉnh lên thêm 1,5 - 2% vào tháng 12/20222. Do nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam tăng cao trong năm 2022 nên mức giới hạn trên không đủ đáp ứng, gây thiếu hụt nguồn cung tín dụng và đẩy lãi suất cho vay lên cao.

Còn nhớ, năm ngoái có chuyên gia đã đúc kết tình trạng này: “Doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới. Đây là chuyện kỳ lạ ở một quốc gia có lạm phát thuộc loại thấp nhất thế giới!”.

Chúng ta luôn đi vận động quốc tế công nhận quy chế kinh tế thị trường và đến nay, có 72 quốc gia đã công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Đây là một thành công của Việt Nam khi nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận những nỗ lực cải cách không ngừng nghỉ của nước ta, nhưng rõ ràng, không gian phía trước vẫn còn lớn hơn. Trong không gian đó có room tín dụng, mà đến lúc nào đó “thuận lợi” sẽ được gỡ bỏ, như Thống đốc cam kết tại kỳ chất vấn năm ngoái, lẫn năm nay.

Tư Giang

Hai ngân hàng đã được chuyển giao bắt buộc, kiểm soát chênh lệch giá vàng SJC

Ngân hàng nào vừa được nới 'room tín dụng' lên 18,4%?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/room-tin-dung-2212249.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Room tín dụng
    POWERED BY ONECMS & INTECH