Sân bay duy nhất mang kiến trúc cung đình của Việt Nam 'lên dây cót' mở đường bay quốc tế
Việc mở thêm 1 đường bay quốc tế giúp phục vụ nhu cầu ngày càng tăng về vận tải hàng không.
Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài là sân bay được xây dựng ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Mới đây, vào sáng ngày 28/7, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo về kế hoạch mở đường bay từ Huế tới các trung tâm du lịch khác ở Việt Nam và ở khu vực Đông Á, Đông Nam Á.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phấn đấu mở 1 đường bay quốc tế, các chuyến charter giai đoạn 2024 - 2025. Đồng thời, tỉnh này cũng sẽ tiếp tục khai thác 5 triệu khách/năm ở Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Kế hoạch mở đường bay quốc tế ở tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm kết nối với các quốc gia chưa có đường bay trực tiếp, với những trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch khác nhau. Không chỉ vậy, kế hoạch này cũng giúp nâng cao doanh thu du lịch, phát triển nhiều ngành dịch vụ có liên quan. Du khách nội địa, quốc tế đến với Huế cũng được tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể.
Kế hoạch mở đường bay quốc tế từ sân bay Huế cũng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, doanh nghiệp. Ở những khu vực có tốc độ phát triển nhanh hay nhu cầu vận tải hàng không cao, kế hoạch này càng cần thiết hơn. Hoạt động kinh doanh, thương mại, du lịch cũng trở nên thuận lợi hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để đạt được những mục tiêu nói trên, các kế hoạch thực hiện mở đường bay mới cũng được đưa ra. Xác định lịch trình, tần suất chuyến bay, dịch vụ, xác định chiến dịch quảng bá, tiếp cận thị trường, xây dựng các chương trình khuyến mãi, đưa ra ưu đãi để thu hút khách hàng... là những việc quan trọng cần làm. Không chỉ vậy, việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước cũng là điều cần thiết. Đồng thời, địa phương cũng cần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo nên nét đặc trưng du lịch.
Công trình Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 17/6/2023 sau hơn 3 năm xây dựng. Theo ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế, với đường băng dài 2.700m, sân bay quốc tế Phú Bài có thể kết nối Huế với nhiều điểm đến hấp dẫn trên thế giới, bao gồm các nước Bắc Á, Đông Á và một số quốc gia châu Âu. Dự án này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao hạ tầng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
"Nhà ga hành khách T2 Phú Bài đã hoàn thành đưa vào khai thác, với công suất 5 triệu hành khách/năm mở ra cơ hội lớn cho việc giao thương quốc tế, các hãng lữ hành tiềm năng lớn có thể mở các tour tuyến du lịch quốc tế. Các chuyên gia, nhà đầu tư cũng đi lại hết sức thuận lợi; đặc biệt tiến đến xây dựng khu đô thị sân bay, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh..." - ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Sân bay Phú Bài có tên gọi đầy đủ là Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài - Phu Bai International Airport (PBIA), nằm tại thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách trung tâm TP. Huế khoảng 15km về phía Đông Nam.
Sân bay sở hữu nhà ga với thiết kế lấy cảm hứng từ sự đa dạng của văn hóa triều đại Cố đô Huế và các họa tiết tượng trưng cho nền văn hóa ở Huế. Các họa tiết này được phát triển trong các tiểu cảnh khác nhau của nhà ga và được thể hiện như là một chủ đề để nâng cao giá trị cho công trình.
Ngoại thất công trình được lấy cảm hứng từ kiến trúc Cung điện Huế với đặc trưng là các lớp mái chồng xếp lên nhau và vươn xa, hình tượng các lớp mái đó được cách điệu lên hình thức mái của công trình nhà ga hiện đại nhưng không dập khuôn kiến trúc cổ.
>> Bảo tàng 22.000m2 ở thành phố có sân bay duy nhất vùng Tây Bắc sắp thay tên?