Sân vận động 22.000 chỗ lớn nhất miền núi phía Bắc: Hình hài đẹp mắt, đếm ngược ngày khánh thành
Sân vận động được đầu tư với quy mô lớn, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại sau thời gian thi công nay đã thành hình hài đẹp mắt, chuẩn bị khánh thành.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cùng các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và đại diện các Sở, ngành đã đi kiểm tra thực địa, đôn đốc tiến độ tại một số dự án.
Tại dự án Sân vận động Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh ghi nhận tiến độ thi công và yêu cầu các đơn vị tập trung nguồn lực, đảm bảo chất lượng, an toàn để công trình hoàn thành và đưa vào vận hành đúng kế hoạch.

Sân vận động Thái Nguyên được đầu tư gần 535 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 15ha, với sức chứa 22.000 chỗ ngồi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là sân vận động có quy mô lớn nhất khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, vượt sân Việt Trì (20.000 chỗ) và gấp đôi sân Điện Biên (10.000 chỗ).
Công trình được thiết kế với 4 khán đài A, B, C, D, trong đó khán đài A và B mỗi bên 7.500 chỗ có mái che; khán đài C và D mỗi bên 3.500 chỗ. Xung quanh sân là đường piste 8 làn chạy vòng, 10 làn chạy thẳng, đạt chuẩn thi đấu điền kinh chuyên nghiệp. Dự án còn tích hợp khu thi đấu các môn điền kinh như nhảy xa, nhảy cao, đẩy tạ…


Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, gồm hệ thống điện, chiếu sáng, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, bảng điện tử, giàn đèn, máy phát điện, điều hòa và ghế ngồi đạt chuẩn FIFA. Dự kiến sân vận động sẽ hoàn thành, đưa vào vận hành trong quý III/2025.
Không chỉ là công trình thể thao quy mô lớn, sân vận động Thái Nguyên còn được kỳ vọng trở thành điểm nhấn trong chiến lược phát triển hạ tầng văn hóa – thể thao của tỉnh. Đây sẽ là trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia và khu vực, đồng thời phục vụ các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch lớn của địa phương.

Trong bối cảnh Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và đô thị hóa, công trình này góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân, tăng sức hấp dẫn du lịch và củng cố hình ảnh đô thị hiện đại, năng động.
Về lâu dài, sân vận động có thể trở thành hạt nhân của một tổ hợp thể thao – văn hóa tích hợp, tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ phụ trợ như tổ chức sự kiện, cho thuê mặt bằng, phát triển thương mại – dịch vụ xung quanh. Đây cũng là mô hình đã chứng minh hiệu quả tại nhiều địa phương khác, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế – xã hội bền vững cho Thái Nguyên.
Ảnh: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên