Sân vận động 22.000 chỗ lớn nhất miền núi phía Bắc: Mặt sân xanh mướt chuẩn FIFA, ngày vận hành sắp cận kề
Sân vận động với tổng vốn đầu tư 535 tỷ đồng với sức chứa 22.000 chỗ đang dần hoàn thiện sau 3 năm thi công.
Dự án sân vận động Thái Nguyên có tổng mức đầu tư 535 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 15ha, với sức chứa 22.000 chỗ ngồi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về sân bóng đá. Với quy mô này, sân lớn hơn Sân vận động Việt Trì (20.000 chỗ), gấp đôi Sân vận động Điện Biên (10.000 chỗ) và trở thành sân vận động lớn nhất khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo báo Sức khỏe và Đời sống, sau 3 năm thi công tại xã Đại Phúc (trước là xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên), công trình đã cơ bản hiện rõ hình hài. Khu vực cổng chính đang được thi công phần mái vòm, bên trong sân, thảm cỏ đã được trồng và chăm sóc xanh mướt, khung thành đã lắp đặt. Loại cỏ sử dụng có khả năng phát triển tốt trong điều kiện thời tiết nắng ráo, được tỉa tót, tạo hình cẩn thận.
Bên cạnh đó, hệ thống đường piste đã hoàn thiện, các bậc ngồi khán đài đã được đúc hình, tuy chưa lắp ghế.


Theo thiết kế, sân vận động có 4 khán đài A, B, C, D, trong đó, khán đài A và B mỗi bên 7.500 chỗ có mái che, khán đài C và D mỗi bên 3.500 chỗ. Bao quanh sân bóng là đường piste gồm 8 đường chạy vòng và 10 đường chạy thẳng, đáp ứng tiêu chuẩn thi đấu chuyên nghiệp.
Dự án còn đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cấp điện, chiếu sáng, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, cùng nhiều hạng mục phụ trợ gồm bảng điện tử, giàn đèn chiếu sáng, máy phát điện, điều hòa và ghế ngồi khán đài. Ngoài sân bóng đạt chuẩn FIFA, sân còn tích hợp khu thi đấu điền kinh với các môn nhảy xa, nhảy cao, đẩy tạ…, tạo điều kiện tổ chức các giải đấu đa dạng trong nước và khu vực. Dự kiến, sân vận động sẽ đi vào vận hành trong quý III/2025.

Sân vận động Thái Nguyên không chỉ là công trình thể thao, mà còn là một phần trong chiến lược nâng tầm hạ tầng văn hóa – thể thao của địa phương. Công trình được kỳ vọng trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia, khu vực, đồng thời là địa điểm cho các hoạt động văn hóa, lễ hội, du lịch quy mô lớn.
Trong bối cảnh Thái Nguyên đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và đô thị hóa, sân vận động quy mô lớn này không chỉ đáp ứng nhu cầu thể thao – giải trí của người dân, mà còn góp phần nâng cao hình ảnh đô thị, tăng sức hút du lịch và đầu tư cho toàn vùng.
Về lâu dài, công trình có thể trở thành hạt nhân của một tổ hợp thể thao – văn hóa tích hợp, tương tự mô hình đã thành công tại một số tỉnh, thành lớn. Điều này mở ra cơ hội khai thác kinh tế từ dịch vụ phụ trợ như tổ chức sự kiện, cho thuê mặt bằng, phát triển thương mại – dịch vụ quanh khu vực.
Đây cũng là bước chuẩn bị quan trọng trong bối cảnh thể thao Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đòi hỏi hạ tầng hiện đại để đăng cai các giải đấu lớn và nuôi dưỡng tài năng trẻ từ các địa phương.
> > Lỡ hẹn khởi công dự án sân vận động quy mô 500 tỷ tại tỉnh miền núi giáp Trung Quốc