Sao kê, 'phông bạt', khoe mẽ tiền ủng hộ bão lũ làm nóng nghị trường
Theo đại biểu Quốc hội, trong khi nhiều hành động đẹp, lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo; từ khóa “phông bạt” như một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng để ám chỉ lối sống giả tạo, làm màu...
Không ít “con sâu làm rầu nồi canh”
Sáng 4/11, phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) nhìn nhận, trong 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng kinh tế đạt 6,82% là “con số rất ấn tượng”, thể hiện quyết tâm và nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đặc biệt, tinh thần vượt khó, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của nhân dân cả nước được thể hiện rõ nét qua cơn bão số 3 vừa qua. Những câu chuyện ấm tình người được ghi nhận khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tình dân tộc, nghĩa đồng bào được khơi dậy mạnh mẽ trong lúc khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình). Ảnh: Như Ý |
Tuy nhiên, ông Huy cũng đặt vấn đề, việc cứu trợ làm sao cho an toàn, hiệu quả và làm thế nào hàng hóa cứu trợ đến được đúng người, đúng địa chỉ? Theo đại biểu đoàn Thái Bình, do phải hành động khẩn trương để hỗ trợ bà con vùng lũ nên việc thành lập những đoàn cứu trợ thường thiếu tính chuyên nghiệp, hơn nữa, trong bối cảnh thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Điều rất đáng lên án, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, trong khi nhiều hành động đẹp, lan tỏa về tinh thần thiện nguyện thì có không ít “con sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng tình hình thiên tai để trục lợi, lừa đảo. Có những kẻ giả danh nạn nhân lũ lụt để nhận hàng cứu trợ từ các nhóm thiện nguyện tự phát.
“Một số đối tượng sử dụng hình ảnh, thông tin tại các địa điểm bị thiệt hại do bão lũ gây ra, giả mạo là thành viên của các hội đoàn, các tổ chức nhân đạo để kêu gọi quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt”, đại biểu Huy phản ánh.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, cũng có thời điểm việc làm thiện nguyện của một số nghệ sĩ bị dư luận nghi ngờ. Việc tổ chức quyên góp từ cộng đồng một cách nghiệp dư, thiếu kinh nghiệm dẫn đến hệ quả là báo cáo thu chi sơ sài, không có hóa đơn chứng từ, gây tranh cãi, vướng vào nghi án ăn chặn tiền từ thiện, đánh mất lòng tin nơi khán giả.
“Mới đây, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam công bố sao kê số tiền ủng hộ,nhằm bảo đảm sự minh bạch trong việc phân bổ và sử dụng các khoản tiền khuyên góp cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Tuy nhiên, sau khi sao kê được công khai, nhiều cá nhân bị phát hiện lợi dụng sự kiện để chỉnh sửa hình ảnh thổi phồng số tiền ủng hộ để đánh bóng tên tuổi”, ông Huy phản ánh.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, từ khóa “phông bạt” những ngày qua như một làn sóng lan truyền mạnh mẽ trong cộng đồng mạng để ám chỉ lối sống giả tạo, làm màu, khoe mẽ. Hệ lụy là không ít cá nhân đã trở thành nạn nhân bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội.
“Những hành vi như vậy không chỉ vi phạm đạo đức, pháp luật mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của cộng đồng”, ông Huy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn). Ảnh: Như Ý |
Thực hiện thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) dành toàn bộ thời gian nói về cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đã hơn một tháng kể từ khi bão số 3 đi qua, với sức tàn phá nặng nề, để lại hậu quả lớn cho nhiều tỉnh miền Bắc. Với sự quyết liệt lo cho dân của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng những nghĩa cử cao đẹp, chứa chan tình đồng chí, đồng bào đã làm vơi đi nhiều nỗi đau, mất mát sau bão.
Đại biểu đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng nhìn nhận, những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy, những căn hộ, khách sạn mở cửa miễn phí đón người dân vào trú bão, hàng nghìn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối đuôi nhau cùng hướng về vùng lũ, mang theo triệu tấm lòng…là minh chứng cho truyền thống quý báu của cả dân tộc.
“Ở nước ngoài, kiều bào ta cũng đau đáu hướng về miền Bắc, đến nay Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tiếp nhận hơn 2.000 tỷ đồng, tất cả đều thực hiện theo “mệnh lệnh từ trái tim””, bà Thủy bày tỏ.
Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu đoàn Bắc Kạn đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi.
Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: Như Ý |
Tranh luận với đại biểu về việc cách thức tiến hành cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, còn rất nhiều bài học rút ra để có thể giảm hơn nữa những mất mát, đặc biệt là về người.
Theo ông, vấn đề đầu tiên cần rút kinh nghiệm đó là việc phân phối hàng cứu trợ để tránh tình trạng chỗ cần không có, chỗ lại thừa, thậm chí phải “chôn hàng tấn thức ăn”, vì không kịp phân phát.
“Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì; số lượng, thời gian, cách thức đưa hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương”, ông Hiếu nói.
>> Bộ Công an công bố mức xử phạt hành vi 'phông bạt', sửa bill chuyển tiền ủng hộ đồng bào bão lũ