Sập bẫy ‘dự án ma’, vì đâu nên nỗi?
Dù có nhiều lời cảnh báo được đưa ra, nhưng không ít nhà đầu tư chỉ từ lời "rỉ tai" của những người quen, tin lời người môi giới mà sẵn sàng xuống tiền đầu tư vào các "dự án ma".
Cảnh báo về ‘dự án ma’
Mặc cho chính quyền nhiều địa phương đưa ra cảnh báo, nhiều đơn vị môi giới vẫn cố tình quảng cáo thông tin nhà đất không đúng sự thật, gây rủi ro cho nhà đầu tư.
Tháng 11/2019, UBND phường Trường Thạnh, quận 9, TP.HCM đã có văn bản cảnh báo dấu hiệu lừa đảo tại các khu đất mặt tiền đường Lò Lu, tổ 1, khu phố Ích Thạnh do một công ty bất động sản rao bán.
Theo quy hoạch, các thửa đất trên là đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đã được cấp sổ đỏ cho một cá nhân. Chủ đất này khẳng định không uỷ quyền hay có bất kỳ cam kết nào đồng ý cho công ty bất động sản nêu trên phân phối, mua bán tại vị trí khu đất.
Tháng 1/2020, UBND quận 10, TP.HCM cũng cảnh báo liên quan đến việc quảng cáo dự án căn hộ của một công ty bất động sản trên địa bàn. Nhưng cơ quan chức năng cho hay, các hoạt động đầu tư tại dự án này có dấu hiệu vi phạm pháp luật, dự án chưa được phê duyệt hoặc chấp thuận đầu tư.
Tháng 1/2023, Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cũng phải ra văn bản đề nghị UBND TP Tây Ninh kiểm tra, làm rõ và thông tin đến người dân không giao dịch đối với dự án tự phát “Khu dân cư Thạnh Tân Mountain View”.
Sở này cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin về tổ chức, cá nhân tự ý phân lô đất nền; rao bán, chuyển nhượng bất động sản, nhà ở khi chưa thực hiện các thủ tục pháp lý. Trong đó có “dự án” Khu dân cư Thạnh Tân Mountain View.
Thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho biết, trên địa bàn tỉnh chỉ có 23 dự án nhà ở thương mại, 2 dự án nhà ở xã hội và 2 dự án đầu tư hạ tầng được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Khu dân cư Thạnh Tân Mountain View do tổ chức, cá nhân tự ý rao bán trên mạng như nêu trên không thuộc các dự án UBND tỉnh đã chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Vì đâu nên nỗi?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích: Các dự án bất động sản là "dự án ma", "dự án trên giấy" thì thông tin về dự án rất mơ hồ, không đầy đủ, nhưng các nhà đầu tư vẫn lao vào, sẵn sàng "xuống tiền" vì "bánh vẽ" lợi nhuận cao.
Nhiều nhà đầu tư chỉ từ lời "rỉ tai" của người quen, tin lời người môi giới mà sẵn sàng xuống tiền dù không tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, cũng như là những thông tin cần thiết trước khi tham gia đầu tư. Đặc biệt là với các dự án mà chủ đầu tư huy động vốn theo mô hình đa cấp, rất nhiều người bỏ tiền ra đầu tư mà không quan tâm đến sản phẩm bất động sản, chỉ quan tâm đến lợi nhuận mình thu được khi hệ thống phát triển.
Nhiều người còn biết đó là hình thức lừa đảo nhưng vẫn hy vọng mình vào sớm và rút sớm khỏi thị trường thì sẽ thành công... Chính lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư là môi trường thuận lợi cho các đối tượng xây dựng các kịch bản để lừa đảo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, các thông tin về thị trường bất động sản chưa minh bạch, rõ ràng, để tìm hiểu xem dự án bất động sản nào có thật, dự án nào là "ảo" hiện vẫn còn là vấn đề khó khăn.
Trong khi pháp luật quy định về cấp phép đầu tư, về công khai thông tin dự án, nhưng những quy định này bị lãng quên ở nhiều địa phương, trường thông tin chậm hoặc không đầy đủ, dẫn đến việc tìm hiểu về các dự án đầu tư trên hệ thống dữ liệu điện tử là rất khó.
Đây cũng chính là lý do khiến kẻ lừa đảo dễ dàng đưa ra thông tin gian dối về thị trường, về dự án bất động sản khiến cho khách hàng, nhà đầu tư trở thành nạn nhân của các vụ lừa bán “dự án ma”.
Luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, để tránh trở thành người bị hại trong các vụ án lừa đảo thông qua việc mua bán bất động sản, nhà đầu tư cần nắm rõ tính pháp lý dự án nhà ở, đất ở hay toàn bộ những giấy tờ, hồ sơ mà một dự án đầu tư cần phải có theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư Bùi Quang Thu, quy định của pháp luật, một dự án chung cư có hồ sơ pháp lý đầy đủ phải đảm bảo có các giấy tờ như: Giấy phép kinh doanh của chủ đầu tư; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Quyết định cấp đất, cho thuê đất cho chủ dự án; Giấy phép xây dựng; Văn bản chấp thuận đầu tư; Biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng dự án; Bản quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Giấy chứng nhận bảo lãnh của ngân hàng giúp đảm bảo việc chủ đầu tư sẽ thực hiện các nghĩa vụ tài chính với dự án trong tương lai.
Đối với dự án nhà ở, đất ở, người mua nhà, đất ở cần xem xét các trường hợp tương tự như trên. Thông thường, để xác định xem nhà ở hoặc đất ở đó có được phép chuyển nhượng hợp pháp hay không, người mua bất động sản nên đến UBND phường, xã sở tại đề nghị chính quyền địa phương để xác minh...
Cổ đông ngoại muốn bán 8-9% vốn Techcombank, ước tính thu về hơn 14.000 tỷ đồng
Nhà đầu tư đồng tiền ảo này cần liên hệ ngay với cơ quan công an