Đây là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng có văn bản cung cấp thông tin, dữ liệu về số lượng giao dịch và giá giao dịch các loại hình bất động sản qua công chứng trên địa bàn tỉnh trong quý I/2024.
Theo đó, trong quý I/2024, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 3.811 lô đất nền giao dịch thành công trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 925 lô, huyện Đức Trọng với 679 lô, huyện Lâm Hà với 562 lô, huyện Di Linh với 383 lô.
Cũng trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 311 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Đơn Dương với 149 căn, thành phố Đà Lạt với 109 căn, thành phố Bảo Lộc với 37 căn.
Trên địa bàn tỉnh còn ghi nhận có 21 căn hộ chung cư giao dịch thành công qua công chứng.
Trước đó, trong quý IV/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 4.140 lô đất nền giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 797 lô, huyện Lâm Hà với 753 lô, huyện Đức Trọng với 738 lô, huyện Di Linh với 429 lô.
Cũng trong quý IV/2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 288 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng. Trong đó, tập trung chủ yếu tại thành phố Đà Lạt với 137 căn, huyện Đức Trọng với 108 căn, thành phố Bảo Lộc với 40 căn.
Nhìn tổng quát, trong giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Bảo Lâm có chiều hướng diễn biến tích cực, phát triển lành mạnh, đặc biệt sôi động trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022.
Giai đoạn này trên địa bàn huyện Bảo Lâm không có dự án nào được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo số liệu do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm cung cấp, từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn huyện Bảo Lâm có 73.734 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Trong đó, năm 2015 là 2.169 hồ sơ; năm 2016 là 2.352 hồ sơ; năm 2017 là 5.487 hồ sơ; năm 2018 là 5.529 hồ sơ; năm 2019 là 6.751 hồ sơ; năm 2020 là 10.829 hồ sơ; năm 2021 là 10.031 hồ sơ; năm 2022 là 22.196 hồ sơ; năm 2023 là 8.383 hồ sơ.
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2022, giá nhà ở và một số loại hình bất động sản khác (nhà ở riêng lẻ, đất nền) có chiều hướng diễn biến tích cực, tăng lên. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay đã giảm dần, thị trường bất động sản có xu hướng trầm lắng.
Cũng theo UBND huyện, nhiều quy hoạch đã có nhiều tác động rất lớn đến việc phát triển của thị trường bất động sản tại địa phương.
Cụ thể, các quy hoạch đã định hướng các khu vực phát triển trong đó có khu vực phát triển dự án bất động sản, tác động đến giá trị đất đai, tâm lý đầu tư theo số đông,…
Như vậy, nhìn chung thị trường nhà đất tại Lâm Đồng đang có chuyển biến tích cực hơn so với đầu năm 2023. Thông tin về các tuyến cao tốc đang được triển khai phần nào tác động tích cực đến tâm lý thị trường.
Trước đó, nơi đây khá nhiều nhà ôm đất vườn, đất nông nghiệp. Sau khi thị trường chững lại các nhà đầu tư này có hiện tượng bán tháo sản phẩm thu dòng tiền nhưng gần như không có thanh khoản. Dấu hiệu giao dịch tăng khiến nhiều nhà đầu tư đều kì vọng sẽ đẩy được hàng trong thời gian tới.
Vừa qua, tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống với các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển.
Lâm Đồng là tỉnh duy nhất của Tây Nguyên được quy hoạch sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
>> ‘Ông lớn’ Vingroup bất ngờ được cấp phép bán 500.000m2 đất tại siêu dự án trên đảo Vũ Yên