Sập tháp không lưu sân bay vì động đất, có thể nhiều người đã thiệt mạng
Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số người thiệt mạng và tài sản bị hư hại nhưng khoa cấp cứu của bệnh viện 1.000 giường ở Naypyidaw đang trong tình trạng quá tải.
Theo thông tin từ truyền thông Myanmar, trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã khiến tháp kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Nay Pyi Taw sập đổ, khiến 5 nhân viên đang làm việc tại đây thiệt mạng. Trận động đất với tâm chấn gần thành phố Mandalay đã gây chấn động tại nhiều khu vực của Myanmar, gây ra thiệt hại lớn về người và của.

Sân bay quốc tế Nay Pyi Taw cách thủ đô Naypyidaw khoảng 16km về phía Đông Nam. Tháp kiểm soát không lưu tại đây đã hoàn toàn sụp đổ. Theo thông tin từ Khil Thit Media, đường băng của sân bay cũng bị hư hại nặng, không thể sử dụng để thực hiện các chuyến bay.
Kênh truyền hình CNA của Singapore cũng đã liên hệ với đường dây nóng của các hãng hàng không Myanmar và nhận được thông báo rằng sân bay Nay Pyi Taw cùng với sân bay Mandalay đã phải đóng cửa sau trận động đất. Tuy nhiên, giới chức Myanmar hiện vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về tình hình thiệt hại.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số người thiệt mạng và tài sản bị hư hại nhưng khoa cấp cứu của bệnh viện 1.000 giường ở Naypyidaw đang trong tình trạng quá tải. Hàng dài người bị thương đang phải nằm la liệt tại bệnh viện, nhiều người bị vết thương nặng, cơ thể dính đầy máu và bụi đất. Dòng người bị thương vẫn đang tiếp tục đổ về bệnh viện bằng đủ các phương tiện.
Một số nguồn tin cho biết nhiều tòa nhà cơ quan chính phủ, trong đó có trụ sở Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động Myanmar đã bị sập, khiến nhiều quan chức trong các cơ quan này thiệt mạng.
Để đối phó với tình hình, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu vùng chịu ảnh hưởng nặng nề bao gồm Sagaing, Mandalay, Magway, đông bắc bang Shan, Naypyidaw và Bago.
Myanmar là khu vực thường xuyên phải đối mặt với động đất, đặc biệt là khu vực gần đường đứt gãy Sagaing, kéo dài từ Bắc xuống Nam. Theo USGS, trong giai đoạn từ 1930 - 1956, Myanmar đã ghi nhận ít nhất 6 trận động đất có cường độ mạnh từ 7 độ richter trở lên. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự phát triển đô thị nhanh chóng cùng với cơ sở hạ tầng yếu kém và quy hoạch kém của các thành phố lớn khiến những khu vực đông dân dễ bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi động đất và các thảm họa tự nhiên khác.
Việt Nam từng rung lắc ra sao khi động đất xảy ra?
Viện trưởng Vật lý địa cầu: Động đất ở Myanmar ảnh hưởng đến Hà Nội rủi ro 'bằng 0'