Sắp thử nghiệm dạy sách giáo khoa điện tử
Việc thử nghiệm sách giáo khoa điện tử được triển khai nhằm từng bước đưa vào áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã cung cấp thông tin liên quan đến việc thử nghiệm sử dụng sách giáo khoa điện tử theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo nội dung báo cáo về quá trình triển khai nghị quyết 88/2014 và công tác kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, Bộ trưởng cho biết Bộ đã ban hành Thông tư 26/2024 để sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến tiêu chuẩn và quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; đồng thời điều chỉnh các tiêu chuẩn đối với tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách; cũng như quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT đã cụ thể hóa các yêu cầu đối với cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, đồng thời quy định thời điểm tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định vào tháng 5 hằng năm. Việc tiếp nhận hồ sơ thẩm định lại sẽ được thực hiện vào tháng 9 cùng năm.
Song song với đó, Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đăng ký nhu cầu sử dụng sách giáo khoa, yêu cầu các nhà xuất bản và các đơn vị có sách được phê duyệt tổ chức cung ứng kịp thời nhằm đảm bảo giáo viên và học sinh có đầy đủ sách trước thềm năm học mới.
Hoạt động cung ứng sách giáo khoa đang được triển khai nhằm đảm bảo đầy đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chất lượng và tiến độ đến các trường học và các đơn vị liên quan, phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các nhà xuất bản tổ chức các chương trình tập huấn cho giáo viên về việc sử dụng sách giáo khoa, đồng thời hỗ trợ hoạt động giảng dạy và học tập của cả giáo viên và học sinh. Công tác rà soát kế hoạch phát hành, cải tiến hệ thống phân phối sách giáo khoa cũng đang được triển khai theo đúng quy định của pháp luật với mục tiêu giảm giá thành và đảm bảo cung ứng đầy đủ, đúng thời hạn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện cơ quan này đang nghiên cứu và xây dựng kế hoạch thử nghiệm sách giáo khoa điện tử nhằm từng bước áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cùng với những bước tiến này, người đứng đầu ngành Giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác in ấn và phát hành sách giáo khoa tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc biên soạn sách cho học sinh khuyết tật, tổ chức dịch song ngữ sách giáo khoa theo chương trình mới cũng gặp trở ngại lớn từ khâu thiết kế cho đến triển khai thực tế. Đặc biệt, nguồn kinh phí phục vụ cho việc chuyển đổi sách giáo khoa sang chữ nổi braille vẫn chưa được bố trí.
Trong quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh: “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa".

Việc áp dụng công nghệ số trong giáo dục không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo ra môi trường học tập linh hoạt, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cá nhân hóa trong tiếp cận tri thức.
Hiện nay, bên cạnh sách giáo khoa giấy truyền thống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã triển khai nền tảng Hành Trang Số - hệ thống sách điện tử và học liệu số. Đây là một trong những nền tảng tiên phong trong lĩnh vực giáo dục số, cung cấp đa dạng sách giáo khoa điện tử và các học liệu phục vụ dạy và học, giúp giáo viên và học sinh tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú theo hình thức trực tuyến.
Bộ GD&ĐT đề xuất tính học phí đại học công không quá 50% thu nhập bình quân đầu người
Một thành phố lớn đưa AI vào chương trình học từ cấp tiểu học