Sau khi sáp nhập, địa phương mới này sẽ là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phần phía Bắc Quốc lộ 55, với khu công nghiệp Đất Đỏ I.
Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ lấy ý kiến cử tri về dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh.
Theo dự thảo đề án, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu trước khi sắp xếp là 8 cấp huyện (2 thành phố, 1 thị xã và 5 huyện); 82 đơn vị hành chính cấp xã ( 29 phường, 6 thị trấn và 47 xã).
Sau sắp xếp thì tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 77 đơn vị hành chính cấp xã.
Trong đó, theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn này sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Long Điền vào huyện Đất Đỏ thành huyện mới có tên là huyện Long Đất.
Lý do đưa ra tên gọi trên do Long Đất là tên gọi của đơn vị hành chính có từ tháng 5/1951 - khoảng thời gian tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn được thành lập (gọi tắt là tỉnh Bà Chợ); được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ thành huyện Long Điền - Đất Đỏ (gọi tắt là Long Đất).
Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập 2 huyện trong lịch sử trước đây, đến ngày 9/12/2003, Chính phủ ban hành Nghị định tách huyện Long Đất thành huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ.
Vì vậy, huyện Long Điền và huyện Đất Đỏ có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống, lịch sử hình thành, kết cấu cộng đồng dân cư và phong tục tập quán của địa phương.
Số đơn vị hành chính trực thuộc có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 7 xã và 4 thị trấn (sáp nhập đồng thời 4 xã trực thuộc). Nơi đặt trụ sở làm việc của đơn vị hành chính tại trụ sở của huyện Đất Đỏ hiện hữu.
Hiện nay, huyện Đất Đỏ có địa giới phía Đông giáp huyện Xuyên Mộc và biển Đông, phía Tây giáp huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa, phía Nam giáp biển Đông và phía Bắc giáp huyện Châu Đức.
Huyện Đất Đỏ có diện tích tự nhiên 18.957,63ha gồm 2 thị trấn mới được thành lập là thị trấn Đất Đỏ và thị trấn Phước Hải; các xã thuộc huyện Đất Đỏ gồm: Phước Long Thọ, Long Tân, Láng Dài, Lộc An,Phước Hội, Long Mỹ.
Trong khi đó, huyện Long Điền phía Đông giáp huyện Đất Đỏ, phía Tây giáp thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, phía Nam giáp biển Đông, phía Bắc giáp thành phố Bà Rịa.
Huyện Long Điền có diện tích tự nhiên 7.700ha, đơn vị hành chính gồm có 2 thị trấn: Long Điền, Long Hải và 5 xã: xã An Ngãi, Tam Phước, An Nhứt, Phước Tỉnh, Phước Hưng.
Như vậy, sau hơn 20 năm tách ra thì hai đơn vị này lại được sáp nhập lại. Theo quy hoạch, vùng huyện Long Điền - Đất Đỏ có tính chất là vùng phát triển tổng hợp nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ ở phần phía Bắc Quốc lộ 55, với khu công nghiệp Đất Đỏ I.
Phần phía Nam Quốc lộ 55 đến tiếp giáp với biển phát triển dịch vụ du lịch, phát huy vai trò trục động lực dịch vụ du lịch dọc tuyến đường ven biển ĐT994; Phát triển nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy sản hài hòa với phát triển du lịch.
Hạt nhân phát triển là thị trấn Long Điền, thị trấn Đất Đỏ, thị trấn Long Hải và thị trấn Phước Hải.
Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh ven biển, thuộc khu vực Đông Nam Bộ, rộng 1.989km2. Theo Cổng thông tin Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều loại khoáng sản, đáng kể nhất là dầu mỏ, khí thiên nhiên và khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Trong tổng trữ lượng dầu khí đã xác minh năm 2000, vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu có 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước; dầu khí trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% trữ lượng khí cả nước.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm dầu khí của cả nước, hoạt động khai thác dầu thô và khí thiên nhiên hàng năm đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ, huyện Long Điền, huyện Đất Đỏ được định hướng là khu vực dự kiến thành lập thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu trực thuộc Trung ương (khu vực nội thành) đạt tiêu chí đô thị loại I.