Doanh nghiệp A-Z

Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ

Thu Huyền 20/05/2025 16:16

Từ nhà phát triển bất động sản đến nhà đầu tư hạ tầng giao thông chiến lược, Vingroup đang viết lại vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong công cuộc phát triển đất nước.

Ngày 19/5/2025, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường 2 đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) đã chính thức khởi công với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng.

Cầu Tứ Liên gồm 4 dự án thành phần, với tổng vốn đầu tư khoảng 19.830 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng có tổng vốn khoảng 4.332 tỷ đồng, diện tích thu hồi đất khoảng 62,53ha, với khoảng 701 trường hợp bị thu hồi.

Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ
Phối cảnh dự án cầu Tứ Liên (Ảnh: Báo Chính phủ)

Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP. Hà Nội là chủ đầu tư dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu, với tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là liên danh Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và các đối tác khác. Hiện dự án đã được triển khai hiệu quả, bảo đảm khởi công toàn tuyến và dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Cầu Tứ Liên nằm trong 18 dự án cầu đường bộ vượt sông Hồng thuộc Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Dự án nhằm kết nối giao thông và hạ tầng kinh tế – xã hội hai bên sông Hồng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng 2 con số cho những năm tiếp theo của Thủ đô và cả nước.

Vingroup và 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng giao thông

Trước dự án cầu Tứ Liên, vào tháng 4/2018, Tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, với vốn đầu tư 9.400 tỷ đồng. Tới ngày 11/1/2023, dự án chính thức được đưa vào hoạt động.

Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ
Lễ thông xe và cắt băng khánh thành đường Vành đai 2 trên cao đoạn từ Ngã Tư Sở tới cầu Vĩnh Tuy (Ảnh: VnEconomy)

Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của Thủ đô, nhiều năm qua rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông triền miên. Việc đưa vào khai thác tuyến đường Vành đai 2 trên cao đã góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc, tạo sự thông suốt và thuận lợi cho người dân và phương tiện lưu thông, đồng thời thúc đẩy sản xuất kinh doanh và dịch vụ tại khu vực.

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), cho phép Vingroup ứng vốn xây dựng hạ tầng và nhận lại quỹ đất để phát triển. Cụ thể, Vingroup được giao khoảng 90ha đất tại khu Sài Đồng A (quận Long Biên) và 130ha tại các xã Tân Hội, Liên Trung, Tân Lập, Liên Hà (huyện Đan Phượng) để hoàn vốn đầu tư. Ngoài ra, việc giảm ùn tắc và cải thiện kết nối giao thông cũng trực tiếp nâng cao giá trị các dự án của Vingroup như Times City, Royal City, Vinhomes Riverside.

Đáng chú ý, trong thời gian thực hiện dự án trên, vào tháng 8/2022, Liên danh Vingroup – Techcombank đã gửi đề xuất thực hiện một công trình giao thông khác là dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành. Đến tháng 6/2024, dự án đã được Quốc hội chính thức phê duyệt.

Đây là một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, có chiều dài khoảng 128,8km, với tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 25.540 tỷ đồng, kết nối tỉnh Đắk Nông với tỉnh Bình Phước. Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT).

Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Vào ngày 29/4/2025, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức lễ động thổ dự án thành phần 1 với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này không chỉ mở rộng không gian phát triển và tạo động lực tăng trưởng mới cho cả 2 vùng, mà còn khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và các ngành kinh tế chủ lực khác.

Những kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông sắp tới của Vingroup

Tập đoàn Vingroup cùng gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa góp vốn thành lập CTCP Đầu tư và Phát triển Đường sắt cao tốc VinSpeed, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

Theo Vingroup, việc thành lập VinSpeed nhằm tập trung nguồn lực, tối ưu hiệu quả đầu tư và tham gia phát triển hệ thống đường sắt quốc gia, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Mới đây, VinSpeed đã đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ di dời và tái định cư. Doanh nghiệp cam kết tự thu xếp 20% nguồn vốn, phần còn lại đề xuất vay từ Nhà nước với lãi suất 0%, thời hạn hoàn trả 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ
Vingroup lên kế hoạch xây dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và tuyến đường sắt đô thị TP.HCM – Cần Giờ (Ảnh minh họa)

Ngoài dự án trên, Vingroup cũng đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị TP.HCM – Cần Giờ. Theo đó, VinSpeed sẽ đóng vai trò là đơn vị triển khai các dự án đường sắt do Tập đoàn đề xuất, trong đó có tuyến metro này.

Vingroup kiến nghị thực hiện dự án theo hình thức đầu tư trực tiếp, sử dụng nguồn vốn tư nhân do VinSpeed thu xếp, không dựa vào ngân sách Nhà nước. Doanh nghiệp mong muốn UBND TP. HCM xem xét, chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp hỗ trợ triển khai.

Cách đây ít ngày, UBND TP. HCM đã thống nhất chủ trương cho phép Vingroup nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo chỉ đạo, VIC sẽ tự cân đối kinh phí thực hiện nghiên cứu và lập hồ sơ, không sử dụng ngân sách thành phố. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ tự chịu toàn bộ chi phí và rủi ro liên quan.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm sẽ được điện khí hóa, có chiều dài khoảng 48,5km, tốc độ thiết kế tối đa 250 km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương 4,09 tỷ USD). Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Thục Mạn, quận 7) và kết thúc tại khu đất rộng 39ha giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).

Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ
Phối cảnh dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Ảnh: Báo Lao động)

Đáng chú ý, huyện Cần Giờ cũng là nơi đang triển khai siêu dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ do CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ – công ty con của Vingroup – làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, với diện tích 2.870ha, quy mô dân số tối đa hơn 228.000 người. Khu đô thị đã chính thức được khởi công vào ngày 19/4 vừa qua.

>> Siêu dự án của Vingroup sử dụng 10.000 tấn thép Hòa Phát chính thức lộ diện, Thủ tướng trực tiếp thị sát

Ngay lễ khởi công dự án gần 15.500 tỷ đồng, nhà thầu Trung Quốc và Vingroup nhận 'nhiệm vụ kép' từ Thủ tướng

Dự án hơn 15.000 tỷ đồng do Vingroup (VIC) đề xuất có diễn biến mới ngay sát ngày khởi công 19/5

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/sau-cau-tu-lien-gan-15500-ty-dong-vingroup-dang-len-ke-hoach-xay-dung-nhung-du-an-giao-thong-tam-co-290276.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Sau cầu Tứ Liên gần 15.500 tỷ đồng, Vingroup đang lên kế hoạch xây dựng những dự án giao thông tầm cỡ
    POWERED BY ONECMS & INTECH