Sau động thái từ Tập đoàn Trung Quốc, tuyến metro hơn 61.000 tỷ đồng chốt ngày khởi công
Trước đó, Tập đoàn Trung Quốc đã "bắt tay" với Vinaconex (VCG) nghiên cứu phương án đầu tư tuyến metro số 5 tại Hà Nội.
Ngày 17/7/2025, Văn phòng UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 10999/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn liên quan đến việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị dự kiến khởi công trong năm 2025.
Đáng chú ý, TP. Hà Nội đặt mục tiêu khởi công tuyến metro số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc vào ngày 19/12/2025. Để đảm bảo tiến độ đề ra, UBND Thành phố yêu cầu Ban Quản lý Đường sắt đô thị chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, phường, xã có dự án đi qua, khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Thông báo số 414/TB-VP ngày 8/7/2025 của Văn phòng UBND Thành phố, nhằm hoàn tất công tác chuẩn bị và triển khai đúng kế hoạch.
Theo quy hoạch, tuyến metro số 5 là một trong những dự án đường sắt đô thị trọng điểm, đóng vai trò kết nối khu vực trung tâm Thủ đô với đô thị vệ tinh Hòa Lạc - đô thị vệ tinh lớn nhất trong tổng số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 61.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,4 tỷ USD), với tổng chiều dài gần 39km. Tuyến bao gồm 21 nhà ga, trong đó có khoảng 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và gần 30km đi trên mặt đất. Điểm đầu đặt tại ngã tư Văn Cao - Hoàng Hoa Thám, điểm cuối cách ngã tư Hòa Lạc khoảng 5km về phía Phú Thọ (thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình cũ).
Đây là tuyến metro có quy mô vốn đầu tư và chiều dài lớn nhất trong số 8 tuyến đường sắt đô thị đã được quy hoạch tại Hà Nội đến năm 2030. Việc sớm triển khai tuyến số 5 được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm, thúc đẩy kết nối vùng và phát triển bền vững mạng lưới đô thị của Thủ đô trong dài hạn.
![]() |
Thông số cơ bản dự án tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc (Ảnh: Lộc Chung) |
Tập đoàn Trung Quốc đánh tiếng tham gia
Hồi đầu năm 2024, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG) cùng Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, trong đó có tuyến metro số 5.
Đến tháng 6/2024, trong khuôn khổ Hội nghị WEF Đại Liên 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trang Nghiêm. Tại đây, lãnh đạo Tập đoàn cho biết đang tham gia nghiên cứu nhiều dự án lớn, trong đó có đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc.
Đáp lại, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tiếp tục phối hợp với TP. Hà Nội và Bộ Xây dựng nghiên cứu hợp tác triển khai xây dựng tuyến đường sắt này, trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đồng thời phối hợp với các địa phương của Việt Nam, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc để hợp tác phát triển hạ tầng.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương là đơn vị tiên phong triển khai mô hình BT tại Trung Quốc, đồng thời trực tiếp tham gia đầu tư, xây dựng, vận hành tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp thông qua các mô hình hợp đồng EPCO, FEPCO, BTO…
Tại Việt Nam, Tập đoàn này đã "bắt tay" cùng Vingroup (HoSE: VIC) tham gia xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu, kéo dài từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa với giá trị gói thầu 10.790 tỷ đồng.