Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã PVS - HNX) vừa thông báo về giao dịch của nhóm cổ đông nước ngoài.
Cụ thể, nhóm quỹ có liên quan đến Dragon Capital vừa thông báo mua vào 1,4 triệu cổ phiếu PVS nhằm nâng sở hữu từ 23,58 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 4,93% vốn) lên 24,98 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,22%) qua đó chính thức ngồi ghế cổ đông lớn tại PVS.
Động thái gom hàng của nhóm quỹ này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu PVS đang liên tục giảm về các vùng giá thấp khi ghi nhận tại phiên nhóm quỹ này thực hiện giao dịch (ngày 24/11), cổ phiếu PVS đã giảm liên tục 6 phiên từ mức 19.200 đồng.
Kết phiên 24/11, cổ phiếu PVS giảm về 18.900 đồng thị giá. Tạm tính tại mức giá này, nhóm Dragon Capital đã chi khoảng 26,46 tỷ đồng để ngồi ghế cổ đông lớn tại công ty này.
Sau giao dịch của cổ đông ngoại quốc, cổ phiếu PVS tăng liên tiếp 4 phiên sau đó và hiện đang giao dịch tại mức 21.800 đồng/cổ phiếu (lúc 11h phiên 1/12/2022).
Động thái của Dragon Capital diễn ra cùng với xu hướng gom ròng loạt cổ phiếu của tổ chức này trong thời gian gần đây.
Cụ thể, ngày 15/11, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua vào 12,8 triệu cổ phiếu KBC của Tổng CTCP Phát triển Đô thị Kinh Bắc với số tiền dự chi là khoảng 192 tỷ đồng. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của nhóm Dragon Capital tại KBC tăng từ 4,06% lên gần 5,73% và trở lại ghế cổ đông lớn tại KBC sau hơn 1 tuần.
Cùng ngày, Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ tỷ đô nhà Dragon Capital đã mua thêm 1,5 triệu cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền. Sau mua, tỷ lệ sở hữu của cả nhóm Dragon Capital tại KDH tăng từ 7,94% lên 8,15% vốn điều lệ.
Trước đó, ngày 11/11, Dragon Capital cũng đã mua vào 19 triệu cổ phiếu KDH. Như vậy, chỉ trong chưa đầy 1 tuần, nhóm Dragon Capital đã chi gần 413 tỷ đồng để gom 20,5 triệu cổ phiếu KDH.
Ngày 11/11, các quỹ thành viên của Dragon Capital đã mua vào tổng cộng 1,18 triệu cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau qua đó nâng sở hữu từ 4,9% lên 5,2% vốn điều lệ - tương ứng 27,5 triệu cổ phần đồng thời trở thành cổ đông lớn tại DCM.
Cũng trong ngày 11/11, sau khi nâng tỷ tọng tiền mặt lên mức kỷ lục, quỹ ngoại này đã tích cực giải ngân bắt đáy nhiều mã cổ phiếu các ngành như VHC, FRT,...
Ngược lại, nhóm này đã bán hạ tỷ trọng tại các cổ phiếu NLG, PVD, DGC,...
Với riêng PVS, công ty này cũng vừa ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc trở lại sau mức lãi ròng chỉ 15,4 tỷ. Quý 3/2022, công ty thu về tới 193 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.