CTCP Cà phê Thắng lợi (sàn UPCoM) vừa có thông báo giải trình về việc cổ phiếu tăng trần từ ngày 24/2 - 2/3/2023 với việc tiếp tục khẳng định cổ phiếu tăng trần là do diễn biến của thị trường chứng khoán.
Phiên sáng 3/3/2023, cổ phiếu CFV tiếp tục tăng trần phiên thứ 10 liên tiếp; thị giá tương ứng tăng 351% từ mức chỉ 8.600 đồng lên 38.800 đồng.
Tuy nhiên, đà tăng của CFV là không thực sự thuyết phục với thanh khoản chỉ vài trăm đơn vị/phiên.
Nửa cuối quý 3/2022, cổ phiếu CFV từng ghi nhận chuỗi tăng trần 23 phiên liên tiếp từ ngày 15/8 - 16/9; thị giá được kéo tăng từ mức 4.300 đồng lên 91.300 đồng - tương ứng tăng 2.023% chỉ trong 1 tháng. Dù vậy, thanh khoản của mã cũng chỉ đạt trung bình vài trăm đơn vị/phiên.
Diễn biến cổ phiếu CFV |
Đáng chú ý, trong 3 năm trước khi nhịp tăng trần 23 phiên xuất hiện, cổ phiếu CFV hầu như không có giao dịch và giá đứng yên ở mức 21.300 đồng.
Tại thời điểm bắt đầu tăng trần trong quý 3/2022, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Cà phê Thắng Lợi cũng không thuận lợi khi công ty chuyển lỗ ròng 3,9 tỷ đồng.
Với nhịp tăng trần hiện tại, có thể thấy đây không phải là hoạt động đầu tư kỳ vọng của nhà đầu tư khi kết năm 2022, CFV đã ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm tới 80% so với năm 2021 về còn 1,2 tỷ đồng dù doanh thu đã tăng gần 29% YoY lên mức 450 tỷ.
Trước CFV, một cổ phiếu khác trên sàn UPCoM là VNZ của kỳ lân công nghệ CTCP VNG cũng đã ghi nhận chuỗi 11 phiên tăng trần kể từ mức 240.000 đồng (phiên 31/1/2023) lên 1.358.700 đồng (phiên 15/2). Thậm chí đầu phiên 16/2, cổ phiếu này từng được kéo lên mức giá trần 1.562.500 đồng thị giá trước khi kết phiên giảm trở lại hơn 4,3%.
Với mức giá kết phiên sáng 3/3 tại mức 920.000 đồng, tạm tính cổ phiếu này đã giảm khoảng 41,1% sau khi chạm đỉnh.
Diễn biến cổ phiếu VNZ |
Đáng chú ý, tại thời điểm VNZ tăng vượt mức 1,5 triệu đồng/cổ phiếu, không ít cổ đông nước ngoài từng mua vào cổ phiếu VNG nhiều năm về trước đã nhen nhóm hy vọng "về bờ". Tuy nhiên với mức giá hiện tại, các cổ đông ngoại này tiếp tục bị đẩy xa bờ với khoản lỗ đầu tư từ 40 - 50% giá trị.
Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cổ phiếu. Trước đó năm 2019, quỹ Temasek (Singapore) thậm chí đã mua 355.820 cổ phiếu VNG với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu - tương ứng khoản tiền bỏ ra gần 662 tỷ.
Giống như Cà phê Thắng Lợi, tình hình kinh doanh năm 2022 của VNG cũng không mấy sáng sủa khi công ty ghi nhận khoản lỗ ròng khổng lồ 1.315 tỷ đồng và có năm thứ 3 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận lao dốc mạnh.
Đvt: Tỷ đồng |
Trong những câu chuyện bên lề được chia sẻ bởi các hội nhóm, diễn đàn chứng khoán, việc các cổ phiếu nhỏ của một số doanh nghiệp có hoặc ít nhiều "có vấn đề" tăng trần luôn khiến nhà đầu tư hoài nghi về tính chất của sự việc; đó có thể xuất phát từ hành vi đẩy giá để thoái vốn từ lãnh đạo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn của doanh nghiệp hoặc chiêu trò thổi giá để dẫn dụ nhà đầu tư "gà mờ" rót tiền nhằm trục lợi (như trường hợp của cựu Chủ tịch HĐQT Louis Holdings Đỗ Thành Nhân năm 2021).
Giải thích của một số doanh nghiệp có cổ phiếu tăng trần 5 - 10 - 15 - 20 phiên liên tiếp đến thời điểm hiện tại hầu hết đem đến cảm giác "chống đối" và chưa đủ để nhà đầu tư cảm thấy thuyết phục.
Vì thế, trước khi xuống tiền với các mã dạng này, nhà đầu tư cần xác định rõ tâm thế "gửi tiền ở đâu sẽ cho sinh lời" và tránh khỏi các cạm bẫy tăng giá ảo.
Phiếm luận chuyện cổ phiếu tăng trần: LCM, CFV, VHH, VE3 có bị làm giá?