Thế giới

Sau ông Zelensky, đến lượt Tổng thống Nam Phi ‘khẩu chiến’ với ông Trump ở Nhà Trắng

Vũ Bấc 22/05/2025 15:37

Ông Trump đã chiếu video và loạt bài báo ủng hộ thuyết âm mưu về “diệt chủng người da trắng” tại Nam Phi khi Tổng thống Cyril Ramaphosa đến thăm Nhà Trắng.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi đầu trong không khí thân mật tại Phòng Bầu dục, với những câu đùa vui vẻ xoay quanh môn golf – sở thích chung của cả hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, bầu không khí nhanh chóng thay đổi khi ông Ramaphosa khẳng định rằng không hề có cuộc diệt chủng nào nhằm vào người Afrikaner ở Nam Phi.

Phản ứng trước tuyên bố này, ông Trump nói: “Chúng tôi có hàng ngàn câu chuyện về điều đó,” rồi ra lệnh: “Tắt đèn và bật video lên".

Sau ông Zelensky, đến lượt Tổng thống Nam Phi ‘khẩu chiến’ với ông Trump ở Nhà Trắng - ảnh 1
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp tại Phòng Bầu dục hôm 21/5

Ngay sau đó, một đoạn video được trình chiếu trên màn hình lớn trong phòng. Tổng thống Ramaphosa, ngồi cạnh ông Trump trước lò sưởi, cố giữ nụ cười ngoại giao và quay lại theo dõi màn hình trong khi những người có mặt – bao gồm tỷ phú Elon Musk, Thượng nghị sĩ JD Vance, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, cùng các nhà ngoại giao và phóng viên từ hai nước – im lặng quan sát.

Video chiếu hình ảnh cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và lãnh đạo đối lập Julius Malema hát bài “Kill the Boer” – một ca khúc mang tính biểu tượng thời kỳ đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc, với nội dung kêu gọi chống lại người Boer (nông dân da trắng gốc Afrikaans). Cảnh quay cho thấy người ủng hộ vỗ tay và nhảy múa trong nền nhạc bài hát.

Ông Ramaphosa phản ứng một cách điềm tĩnh nhưng dứt khoát. Ông nhấn mạnh rằng bài hát mang ý nghĩa lịch sử và không phản ánh chính sách chính thức của chính phủ Nam Phi hiện nay. “Những hình ảnh trong video không đại diện cho quan điểm nhà nước,” ông nói.

Trước những video thuyết âm mưu, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã giữ thái độ điềm tĩnh trong cuộc gặp tại Nhà Trắng khi ông Trump trình chiếu một đoạn video mà ông cho là bằng chứng về các vụ giết hại nông dân da trắng ở Nam Phi. Đoạn phim hiển thị hình ảnh một cánh đồng với hơn một nghìn cây thánh giá trắng, được cho là biểu tượng cho các ngôi mộ của nạn nhân. Ông Ramaphosa, gần như im lặng trong suốt buổi chiếu, chỉ thỉnh thoảng nghiêng người quan sát và cho biết ông chưa từng thấy địa điểm đó trước đây, nhưng sẵn sàng tìm hiểu.

Sau đó, ông Trump đưa ra một loạt bài báo – theo ông – mới đăng tải, phản ánh tình trạng bạo lực ở Nam Phi. Đọc lướt một số tiêu đề, ông nhấn mạnh: “Cái chết, cái chết, cái chết, cái chết khủng khiếp".

Sau ông Zelensky, đến lượt Tổng thống Nam Phi ‘khẩu chiến’ với ông Trump ở Nhà Trắng - ảnh 2
Tổng thống Donald Trump "chất vấn"Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa qua những bức ảnh về việc người da trắng bị sát hại và phân biệt chủng tộc ở châu Phi

Tổng thống Nam Phi thừa nhận rằng tội phạm là vấn đề nghiêm trọng trong nước, nhưng nhấn mạnh rằng phần lớn nạn nhân là người da đen. Tuy nhiên, ông Trump lập tức ngắt lời: “Những người nông dân đó không phải là người da đen.”

Thuyết âm mưu về “cuộc diệt chủng người da trắng” đã từ lâu được lan truyền bởi các nhóm cực hữu phân biệt chủng tộc, và trong thời gian gần đây, được một số nhân vật có tầm ảnh hưởng như tỷ phú Elon Musk và người dẫn chương trình Tucker Carlson khuếch đại.

Trong cuộc họp được truyền hình hôm thứ Tư, ông Trump tiếp tục đề cập đến vấn đề này. “Chế độ phân biệt chủng tộc là điều khủng khiếp. Đó từng là mối đe dọa lớn nhất. Nhưng hiện nay, điều đang xảy ra là hoàn toàn ngược lại”, ông nói. “Không ai nói về chuyện này. Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng những người nông dân da trắng chạy trốn khỏi Nam Phi, và đó là vấn đề lớn”.

Ông nhấn mạnh thêm: “Họ đang bị tước đất và trong nhiều trường hợp, họ đang bị hành quyết. Họ tình cờ là người da trắng”.

Dù cuộc họp căng thẳng, Ramaphosa vẫn giữ giọng điệu ôn hòa. “Chúng tôi được Nelson Mandela dạy rằng, khi có bất đồng, mọi người cần ngồi lại và đối thoại. Và đó là điều chúng tôi muốn thực hiện”.

Cuộc gặp diễn ra không lâu sau khi khoảng 50 người Afrikaner đến Hoa Kỳ để tìm kiếm cơ hội tị nạn, sau khi ông Trump tuyên bố sẽ mở cửa tiếp nhận người da trắng Nam Phi – một động thái trái ngược với chính sách nhập cư cứng rắn mà ông áp dụng với hầu hết các khu vực khác trên thế giới.

Quan hệ giữa Washington và Pretoria hiện ở mức thấp nhất kể từ khi chế độ apartheid kết thúc năm 1994. Mỹ đã chỉ trích việc Nam Phi kiện Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế với cáo buộc diệt chủng ở Gaza, đồng thời cắt giảm viện trợ, tăng thuế nhập khẩu lên 31%, và trục xuất đại sứ Nam Phi vì chỉ trích khẩu hiệu "Make America Great Again" của ông Trump.

Tuy nhiên, vấn đề gây chia rẽ lớn nhất giữa hai nước vẫn là đạo luật cải cách đất đai mới được chính phủ Nam Phi ký vào tháng 1 nhằm xử lý những bất bình đẳng lịch sử do chế độ cai trị của người da trắng thiểu số để lại. Tổng thống Ramaphosa khẳng định rằng luật này sẽ không được sử dụng để tước đất một cách tùy tiện và mọi công dân Nam Phi, bất kể chủng tộc, đều được hiến pháp bảo vệ.

Tuy vậy, ông Trump tiếp tục đưa ra tuyên bố gây tranh cãi: “Các người cho phép chiếm đất – và sau đó giết người nông dân da trắng, mà chẳng ai bị xử lý… Họ bị hành quyết, và họ là người da trắng.”

Ông Vincent Magwenya, người phát ngôn của Tổng thống Nam Phi, cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau cuộc gặp tại Nhà Trắng rằng buổi họp đã diễn ra không đúng như kế hoạch ban đầu. “Đây chắc chắn là một cuộc phục kích, vì chương trình đã bị thay đổi vào phút chót”, ông nói. “Khi bạn đứng trong Phòng Bầu dục, có thể thấy rõ đây là một hoạt động được chuẩn bị và dàn dựng cẩn thận”.

Ông Magwenya cũng bác bỏ độ tin cậy của các tài liệu và đoạn video được trình chiếu trong cuộc gặp. “Đoạn video và những bài viết đó không có chút uy tín nào cả,” ông nói. “Tuy nhiên, giờ khi quan điểm của họ đã được thể hiện, có lẽ họ sẽ cảm thấy hài lòng. Chúng ta có thể bắt đầu tập trung vào những vấn đề thực chất để thúc đẩy mối quan hệ song phương.”

Tuy nhiên, tác động từ cuộc trao đổi không chỉ dừng lại ở mặt chính trị. Tại thị trường tài chính, đồng rand Nam Phi suy yếu sau khi cuộc đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo trở nên căng thẳng. Đồng nội tệ giảm 0,1% xuống còn 17,9450 rand đổi một USD lúc 20:25 giờ Johannesburg, đảo ngược đà tăng 0,4% trước đó.

Bất bình đẳng chủng tộc vẫn dai dẳng ở châu Phi

Ba thập kỷ sau khi chế độ apartheid kết thúc, Nam Phi vẫn đối mặt với những hệ lụy sâu sắc về bất bình đẳng kinh tế. Theo báo cáo từ Cục Thống kê Nam Phi công bố hồi tháng 1, thu nhập trung bình của các hộ gia đình da trắng cao gấp gần năm lần so với các hộ da đen. Người da trắng – chiếm chưa tới 7% dân số – vẫn sở hữu hơn 70% đất nông thôn thuộc sở hữu cá nhân.

Trong khi đó, các vụ sát hại nông dân – điều mà ông Trump mô tả là “cuộc diệt chủng” – đã giảm đáng kể trong hai thập niên qua. Theo thống kê, Nam Phi ghi nhận hơn 27.000 vụ giết người mỗi năm, với phần lớn nạn nhân là thanh niên ở các khu vực thu nhập thấp, chủ yếu thuộc các cộng đồng da đen.

Về vấn đề đất đai – trọng tâm gây tranh cãi trong quan hệ Mỹ - Nam Phi – chính phủ Nam Phi cho biết chưa từng có trường hợp nào nhà nước tiến hành tịch thu đất kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc chấm dứt vào năm 1994. Dù luật cải cách đất đai mới được ban hành nhằm điều chỉnh bất công lịch sử, giới chức Pretoria khẳng định việc phân phối lại đất sẽ diễn ra theo trình tự pháp lý và không nhằm mục tiêu phân biệt chủng tộc.

Sau ông Zelensky, đến lượt Tổng thống Nam Phi ‘khẩu chiến’ với ông Trump ở Nhà Trắng - ảnh 3
Một trang trại gia súc tư nhân ở Eikenhof, gần Johannesburg, Nam Phi

Cuộc 'phục kích' biến thành 'trò lố'

Nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Donald Trump đã chủ động lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhằm củng cố lý do cấp quy chế tị nạn cho người Nam Phi da trắng. Tuy nhiên, những tính toán kỹ lưỡng dường như đã phản tác dụng, khi buổi tiếp đón nhanh chóng chuyển thành một màn đối đầu công khai và gây tranh cãi.

Chương trình ban đầu được thay đổi vào phút chót để đưa hai nhà lãnh đạo ra trước ống kính báo chí thay vì tổ chức một cuộc họp kín như dự kiến. Một chiếc tivi lớn – được đặt sát khu vực hai nguyên thủ quốc gia – bất ngờ phát đoạn video gây tranh cãi, điều vốn không thường thấy trong các cuộc họp cấp cao tại Phòng Bầu dục với lãnh đạo nước ngoài.

Khi ông Ramaphosa bắt đầu phản bác nội dung trong video, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance liền đưa cho ông Trump một xấp tài liệu, được cho là nhằm củng cố lập luận về tình trạng người Afrikaner da trắng bị đe dọa tại Nam Phi.

Ngay sau đó, tài khoản X (trước đây là Twitter) chính thức của Nhà Trắng đăng tải hình ảnh cuộc trao đổi cùng chú thích: “Tổng thống Trump luôn mang theo biên lai” – ẩn ý rằng ông có đầy đủ bằng chứng để bảo vệ quan điểm của mình.

Ông Kallie Kriel – giám đốc điều hành Afriforum, một tổ chức vận động đại diện cho cộng đồng người Afrikaner – xác nhận rằng video trình chiếu trong cuộc gặp có nội dung tương tự với các tài liệu truyền thông mà tổ chức này từng sản xuất. Dù nhóm chưa chính thức khẳng định có cuộc “diệt chủng” nhằm vào người da trắng tại Nam Phi, và cũng không tuyên bố chấp nhận lời mời tị nạn từ phía Mỹ, nhưng Kriel cho biết việc đưa chủ đề này lên bàn đối thoại là “quan trọng”.

“Đó là những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu, vi phạm nhân quyền thông qua phân biệt chủng tộc, và cả việc ca hát ‘Giết người Boer’ – tất cả cần được thảo luận,” ông nói.

Những trên tất cả, màn trình diễn do ông Trump và bộ sậu dàn dựng đã đem lại chiến thắng bất ngờ cho Tổng thống Nam Phi. Dù bị đặt vào thế khó, Tổng thống Ramaphosa vẫn giữ phong thái ngoại giao trong suốt cuộc gặp. Ông bắt đầu với tinh thần xây dựng, kêu gọi thiết lập lại quan hệ giữa hai quốc gia và nhấn mạnh vai trò của thương mại song phương. Sau khi đoạn video gây tranh cãi được chiếu, ông Ramaphosa không phản ứng mạnh – trái ngược với cách Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng đáp trả đốp chát với ông Trump trong các tình huống tương tự.

Khi các phóng viên được mời rời khỏi phòng, ông Ramaphosa nở nụ cười và đùa nhẹ: “Họ không muốn đi đâu – họ rất thích bạn.”

Tại cuộc họp báo sau đó, ông tiếp tục đưa ra quan điểm tích cực, cho biết hai bên đã có những cuộc đối thoại kín mang tính xây dựng về thương mại và hợp tác trong tương lai. Ramaphosa cũng bày tỏ hy vọng sẽ gặp lại ông Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tổ chức tại Johannesburg vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, phía Mỹ chưa đưa ra cam kết chính thức, và các quan chức cấp cao của Washington trước đó đã bỏ qua nhiều cuộc họp G-20 tiền hội nghị.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp tục giữ thái độ ôn hòa nhưng cương quyết khi được hỏi về cáo buộc "diệt chủng người da trắng" tại Nam Phi – một luận điệu mà Tổng thống Donald Trump và các đồng minh của ông, bao gồm tỷ phú Elon Musk, đã nhiều lần nhắc đến.

“Mặc dù ông ấy đã phát tán đoạn video và các bài báo đó, nhưng tôi tin rằng trong thâm tâm, ông ấy vẫn có sự nghi ngờ,” ông Ramaphosa nói, ám chỉ rằng ông Trump có thể không hoàn toàn tin vào những cáo buộc mà chính ông đưa ra. “Không có cuộc diệt chủng nào ở Nam Phi.”

Ông Ramaphosa cũng thẳng thắn bác bỏ việc so sánh tình trạng hiện tại với chế độ phân biệt chủng tộc trước đây. “Tất nhiên là không thể,” ông nói, nhấn mạnh rằng việc đề cập đến nạn diệt chủng hiện tại là vô căn cứ.

Khi được hỏi liệu ông có lên án các phát ngôn xuất hiện trong video được chiếu tại Nhà Trắng – trong đó có cảnh các chính trị gia hát bài “Kill the Boer” – hay không, Tổng thống Ramaphosa trả lời rõ ràng: “Chúng tôi hoàn toàn phản đối điều đó.” Ông khẳng định rằng những phát ngôn cực đoan không phản ánh chính sách hay quan điểm chính thức của chính phủ Nam Phi.

Luật đất đai - tâm điểm gây tranh cãi

Một phần căng thẳng giữa hai nước bắt nguồn từ đạo luật cải cách đất đai mà ông Ramaphosa ký vào cuối năm ngoái, nhằm cho phép chính phủ tịch thu tài sản trong một số trường hợp vì lợi ích công cộng – chẳng hạn như đất bị bỏ hoang hoặc tài sản nhà nước không được sử dụng. Mặc dù luật này có phần tương đồng với quy định “thu hồi vì lợi ích công” ở Mỹ, chính quyền Trump đã công khai phản đối, cho rằng điều này vi phạm quyền sở hữu tài sản.

Tổng thống Nam Phi đã tìm cách giải thích luật này trong bối cảnh lịch sử – như một nỗ lực nhằm điều chỉnh sự bất bình đẳng kéo dài từ thời kỳ phân biệt chủng tộc, trong đó phần lớn đất đai bị kiểm soát bởi thiểu số người da trắng.

Trong chuyến công du lần này, ông Ramaphosa đi cùng các thành viên cấp cao trong chính phủ, bao gồm Bộ trưởng Nông nghiệp John Steenhuisen – người đã gọi các cáo buộc diệt chủng là “vô nghĩa” – cùng với các bộ trưởng thương mại, ngoại giao và tỷ phú Johann Rupert.

Tuy nhiên, những nỗ lực giải thích của Nam Phi dường như chưa thể làm dịu căng thẳng. Vào tháng 2, chính quyền Trump đã đóng băng phần lớn viện trợ cho Pretoria, viện dẫn lý do Nam Phi "đàn áp" nông dân người da trắng gốc Afrikaner và thể hiện “quan điểm thù địch” với Mỹ, đặc biệt là trong việc kiện Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế vì cáo buộc tội diệt chủng người Palestine ở dải Gaza.

Tuần trước, căng thẳng tiếp tục leo thang khi Mỹ thực hiện một bước đi chưa từng có: cấp quy chế tị nạn cho nhóm người Afrikaner đầu tiên và đưa họ đến Mỹ bằng máy bay thuê riêng – động thái mang nặng tính biểu tượng trong bối cảnh tranh luận chính trị ngày càng gay gắt giữa hai quốc gia.

Tham khảo Reuters, Politico, BNN

>> Ông Trump thúc đẩy siêu dự án lá chắn tên lửa 175 tỷ USD

Cam kết hơn 2 năm hoàn thành: Chủ đầu tư sẽ biến Trump International Hưng Yên trở thành dự án sân golf đẳng cấp nhất thế giới

Tổng thống Mỹ Trump muốn sớm kích hoạt hệ thống chiến tranh vũ trụ cực kỳ tốn kém

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sau-ong-zelensky-den-luot-tong-thong-nam-phi-khau-chien-voi-ong-trump-o-nha-trang-142957.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Sau ông Zelensky, đến lượt Tổng thống Nam Phi ‘khẩu chiến’ với ông Trump ở Nhà Trắng
    POWERED BY ONECMS & INTECH