CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (UPCOM: SBS) vừa công bố tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2022 của doanh nghiệp.
Lãnh đạo công ty đưa ra phương án phát hành riêng lẻ 150 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược. Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Trong đó, vốn điều lệ doanh nghiệp dự kiến gấp 2,1 lần từ 1.267 tỷ đồng lên 2.767 tỷ đồng. Với giá chào bán 10.000 đồng/cp, công ty kỳ vọng thu 1.500 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động môi giới chứng khoán, giao dịch ký quỹ, tự doanh…
Diễn biến ở SBS có nhiều điểm tương đồng với thương vụ VPBank thâu tóm chứng khoán ASC. Sau khi thâu tóm sau ASC tăng vốn gấp 33 lần từ 269 tỷ đồng lên mức 9.000 tỷ.
Điểm đáng chú ý là các cổ đông lâu năm lần lượt thoái vốn, giá cổ phiếu SBS cũng tăng mạnh theo đà tăng. Một thế lực đã gom vào lượng lớn cổ phiếu trên sàn và các cổ đông lâu nhưng vẫn chưa được công khai. Kế hoạch tăng vốn của SBS có thể coi là thời cơ cho nhóm đại gia "bí ẩn" này lộ diện.
Ngoài ra, Sacombank có chủ trương thoái toàn bộ vốn tại Chứng khoán SBS để cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu. Sacombank từng là ngân hàng mẹ nắm giữ 65% vốn SBS nhưng thoái dần vốn và giảm sở hữu xuống 20,2 triệu đơn vị, tỷ lệ 15,96% vốn SBS.
Theo tờ trình cổ đông, trụ sở dự kiến thay đổi sẽ được uỷ quyền cho Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc doanh nghiệp chọn địa điểm phù hợp. SBS sẽ thay đổi các nhận diện thương hiệu, thay đổi logo, màu sắc, tên viết tắt, giao dịch bằng tiếng Việt, tên giao dịch bằng tiếng anh, mã chứng khoán, mã thành viên…
Đặc biệt, SBS cũng dự kiến chuyển sàn sang HOSE trong giai đoạn 2023 - 2024 sau khi phát hành tăng vốn thành công.
Trong năm 2022, SBS lên kế hoạch doanh thu thuần khoảng 250-350 tỷ đồng, chi phí hoạt động khoảng 200-250 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh SBS dự kiến khoảng 250-100 tỷ đồng.
Dù đã hoạt động lâu năm trong ngành chứng khoán nhưng vị thế của SBS vẫn là công ty chứng khoán nhỏ, kinh doanh không mấy hiệu quả. Công ty vẫn đang lỗ luỹ kế 1.301 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ của doanh nghiệp.