Sẽ 'rót' hơn 420.000 tỷ đồng đầu tư các cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030

12-04-2024 20:55|Quốc Chiến

Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, trong giai đoạn 2021-2030, Bộ sẽ cần hơn 420.000 tỷ đồng để nâng cấp các cảng hàng không trên cả nước.

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch.

Cụ thể, sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng các cảng hàng không, sân bay một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các dự án có tính lan tỏa lớn và ưu tiên nguồn lực đầu tư các cảng hàng không đầu mối, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế tại vùng Thủ đô Hà Nội (Cảng hàng không quốc tế Nội Bài) và vùng TP. HCM (Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành).

>> Tỉnh duy nhất Việt Nam có 3 mặt giáp biển chuẩn bị 'lên đời' sân bay có từ thời Pháp

Đồng thời, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không tại các vùng trên cả nước, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

cang-hang-khong
Tổng vốn đầu đầu tư các cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 420.000 tỷ đồng

Trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch các cảng hàng không, giai đoạn 2021-2025 sẽ hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không trong đó, có 14 cảng hàng không quốc tế gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.

Ngoài ra, còn 16 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa.

Việc quy hoạch bảo đảm đồng bộ với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Giai đoạn 2026-2030, Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thành công tác nghiên cứu, lập quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.

Tại kế hoạch được Bộ Giao thông vận tải trình, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không (không bao gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư). Dự kiến, giai đoạn 2021-2030 ước khoảng 420.472 tỷ đồng.

Cụ thể, Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì hệ thống cảng hàng không toàn quốc nhằm bảo đảm hoạt động vận tải hàng không công cộng. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Để thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không theo lộ trình quy hoạch đã được phê duyệt, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông hàng không và các hạ tầng liên quan tại khu vực; tăng cường sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương để bố trí nguồn lực thực hiện khả thi, hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch.

Một trong những giải pháp về nguồn vốn là huy động đa dạng các nguồn lực từ nhà nước và ngoài nhà nước, nguồn lực trong, nước và ngoài nước để thực hiện đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không. Huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các cảng hàng không mới.

Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế đầu tư nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không đang khai thác theo phương thức đối tác công tư và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh những chính sách về nguồn vốn đầu tư, việc phát triển nguồn nhân lực, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp hàng không, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh cũng là những giải pháp được chú trọng và lên kế hoạch cụ thể.

>> Một thị xã đi trước, đón đầu ‘làn sóng’ hạ tầng ở Thanh Hóa nhận tin vui chuẩn bị lên thành phố

Tỉnh sắp có 2 sân bay dân sự, sở hữu một 'đại dự án' 340.000 tỷ biến Việt Nam thành cửa ngõ quốc tế

Sân bay lớn nhất Việt Nam đang 'tìm chủ’ cho hai dự án nghìn tỷ

Sân bay rộng nhất Việt Nam thành sân bay quốc tế: 2 tỉnh hưởng lợi khi bất động sản được đà 'lên hương'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/se-rot-hon-420000-ty-dong-dau-tu-cac-cang-hang-khong-trong-giai-doan-2021-2030-d120354.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Sẽ 'rót' hơn 420.000 tỷ đồng đầu tư các cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030
POWERED BY ONECMS & INTECH