Siêu cầu nối 2 vùng ĐBSCL kết thúc sứ mệnh những bến phà hơn 100 năm tuổi, thông xe 15 năm vẫn nắm giữ kỷ lục Đông Nam Á, top thế giới
Khi thông xe, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á, đồng thời lọt top 10 cầu có nhịp dây văng dài nhất thế giới.
Cầu Cần Thơ là dự án đặc biệt quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long; là tâm huyết của Bộ Chính trị và Chính phủ nên được đầu tư nghiên cứu, thiết kế, thi công rất công phu.
Cây cầu này được khởi công vào ngày 25/9/2004 và đến ngày 24/4/2010 thì khánh thành. Cầu nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Cầu Cần Thơ có quy mô lớn gấp 3 lần so với cầu Mỹ Thuận (bắc qua sông Tiền).
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng bấm nút còi hiệu ngừng hoạt động của những chuyến phà vượt sông Hậu hơn 100 năm và chính thức thông xe toàn tuyến cầu Cần Thơ.
Khi thông xe, nó là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (chiều dài nhịp chính là 550m); đồng thời lọt top 10 cầu có nhịp dây văng dài nhất thế giới. Đến nay, 14 năm sau ngày khánh thành, cây cầu vẫn giữ 2 kỷ lục trên.
Toàn tuyến dự án dài 15,85km với điểm đầu tại Km 2061 trên Quốc lộ 1A, thuộc huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3,2km và kết thúc tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 4.832 tỷ đồng (thời điểm 2001) bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).
Cầu được thiết kế với cấu trúc trụ hình chữ Y ngược chứa 216 sợi cáp, trong đó một trụ tháp đặt trên bờ sông phía Bình Minh (Vĩnh Long), một trụ tháp đặt ngay trên sông Hậu, phía Cồn Ấu (Cần Thơ). Cầu có tĩnh không thông thuyền cao 39m, đảm bảo cho tàu 10.000DWT qua lại.
Phần cầu chính của cầu Cần Thơ có chiều rộng 23,1m, gồm bốn làn xe ô tô và 2 làn xe máy với tốc độ thiết kế 80km/giờ, mỗi làn 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75m. Phần đường dẫn vào cầu dài 13,1km với 9 cầu, trong đó 4 cầu trên đất Vĩnh Long và 5 cầu trên địa phận thành phố Cần Thơ).
Cầu Cần Thơ góp phần thông thương tuyến TP. HCM đi về thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Nhờ chiếc cầu này, các loại phương tiện giao thông và hàng hóa sẽ không phải mất bình quân 15 phút để sang sông theo những chuyến phà, chưa kể nhiều ngày lễ, tết… phải mất cả buổi vì kẹt phà.
Cầu Cần Thơ cũng góp phần tô đẹp cảnh quan của thành phố Cần Thơ – "Tây Đô" của đất nước.
> > Tỉnh có mức sống rẻ nhất cả nước lập đường hoa 15km dài nhất Việt Nam đón Tết Nguyên đán