Thế giới

Siêu cường châu Á ráo riết xây dựng chuỗi cung ứng ‘chống trừng phạt’ cho dầu Nga

Thanh Lê 13/02/2025 - 21:26

Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ, với mong muốn tiếp tục nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ Nga, đang hợp tác với các thương nhân, công ty vận tải và trung gian để tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ có hiệu lực.

Phát biểu bên lề hội nghị năng lượng quan trọng của Ấn Độ tại Delhi, các lãnh đạo doanh nghiệp cho biết mạng lưới hiện có đang được tái cơ cấu bằng cách sử dụng các công ty bán hàng, tàu chở dầu và nhà cung cấp bảo hiểm không nằm trong danh sách trừng phạt của Washington. Một số đơn vị vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt, trong khi một số khác được thành lập mới để thay thế các thực thể hiện đã bị cấm hoạt động.

Các lãnh đạo này đều trực tiếp tham gia giao dịch và yêu cầu giấu tên do không được phép phát biểu công khai.

z6311192117767_1b005d0543493bc1c631b5da244c49bf.jpg
Ấn Độ xoay xở nhập dầu Nga trước vòng vây trừng phạt mới của Mỹ

Kể từ khi các hạn chế đầu tiên được áp đặt, các khách hàng lớn của Ấn Độ, bao gồm Indian Oil, Bharat Petroleum, Mangalore Refinery & Petrochemicals và Reliance Industries, đã tận dụng cơ hội mua dầu Nga với giá ưu đãi.

Tỷ trọng dầu Nga trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ đã tăng từ mức không đáng kể lên khoảng hơn 30%. Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào tháng 1 năm nay khi Mỹ tung ra một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các tàu và thực thể hỗ trợ Nga.

Gần 160 tàu chở dầu bị trừng phạt trong đợt này, khiến các nhà nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc rơi vào tình thế khó khăn. Thời gian gia hạn giúp giảm bớt áp lực cho các chuyến hàng đến trong tháng 2, nhưng không áp dụng cho tháng 3.

Theo ước tính từ các nguồn tin trong ngành, các nhà máy lọc dầu nhà nước và Reliance hiện thiếu khoảng 18-20 lô dầu Nga cho kỳ giao hàng tháng 3, tương đương 20 triệu thùng hoặc 14% tổng nhập khẩu hàng tháng của Ấn Độ. Các công ty vẫn đang cố gắng tìm nguồn thay thế từ Nga để tránh phải mua dầu đắt hơn từ nơi khác. Quan chức Ấn Độ khẳng định gián đoạn chỉ mang tính tạm thời, nhưng thời gian đang dần cạn kiệt.

"Việc nhập khẩu cần có tàu không bị trừng phạt, bảo hiểm cần thời gian để điều chỉnh, và các khoản thanh toán phải được xử lý suôn sẻ. Mỗi yếu tố này đều có vấn đề cần giải quyết," Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Pankaj Jain phát biểu tại hội nghị ở Delhi. "Chúng tôi đang nỗ lực khắc phục những trở ngại này".

Thay đổi mô hình giao dịch

Một trong những yếu tố giúp Nga thích ứng linh hoạt, đồng thời gây khó khăn cho cơ quan thực thi trừng phạt, là khả năng biến đổi nhanh chóng của các thực thể giao dịch.

Các lãnh đạo doanh nghiệp từ các nhà máy lọc dầu nhà nước cho biết, các công ty thương mại mới có trụ sở tại Dubai như L-Oil và Sccton đã xuất hiện trên thị trường giao ngay, cung cấp dầu Nga cho người mua Ấn Độ. Dù tên gọi mới nhưng các cá nhân và thương nhân đứng sau vẫn là những người quen thuộc trong ngành.

Những thực thể mới này đang thay thế các công ty bị Mỹ trừng phạt vào tháng 1 như Black Pearl, Guron Trading và Demex Trading.

Từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Dubai, và ở mức độ thấp hơn là Hong Kong (Trung Quốc), đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng chục công ty thương mại và vận chuyển dầu. Những công ty này có thể dễ dàng thành lập và giải thể, tạo ra một cuộc "mèo vờn chuột" với giới chức Mỹ. Tốc độ thành lập công ty mới vượt xa khả năng Washington nhận diện và áp đặt lệnh cấm.

Những phương án ‘lách’ lệnh trừng phạt

Vẫn chưa rõ chính quyền Mỹ sẽ cân bằng giữa việc duy trì lập trường cứng rắn với Nga và Iran, đồng thời kiểm soát giá dầu và hạn chế gián đoạn thị trường toàn cầu như thế nào. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại Washington trong tuần này.

Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và các đơn vị tiếp thị dầu Nga còn có các lựa chọn khác, bao gồm sử dụng bể chứa dầu trong nước để che giấu nguồn gốc dầu, theo các lãnh đạo doanh nghiệp.

Ví dụ, dầu Nga được bơm vào bể chứa tại Fujairah có thể được chuyển sang một tàu khác dưới danh nghĩa hàng hóa có xuất xứ từ UAE. Điều này giúp "đổi nhãn" dầu Nga thành một lô hàng có thể giao dịch tự do hơn trên thị trường quốc tế.

Phương pháp "gắn nhãn lại" bằng cách chuyển hàng từ tàu sang tàu vốn đã phổ biến trong giới mua dầu Trung Quốc nhằm che giấu nguồn gốc dầu Iran. Tuy nhiên, việc lưu trữ trên bờ ít được ưa chuộng hơn do chi phí cao.

Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri tuần này một lần nữa nhấn mạnh lời kêu gọi Nga giảm giá dầu, đồng thời khẳng định Ấn Độ có nhiều nguồn cung ứng và lựa chọn.

Dù vậy, mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ vẫn mang tính sống còn khi Moscow cần mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc, trong khi các nhà nhập khẩu Ấn Độ sẽ gặp khó khăn nếu phải quay lại các nhà cung cấp truyền thống ở Trung Đông và đàm phán lại giá cả.

"Bất kể áp lực thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia thị trường một cách thực tế", Thứ trưởng Bộ Năng lượng Nga Pavel Sorokin phát biểu tại hội nghị, nhấn mạnh rằng thị trường vẫn cần dầu Nga. "Không có nguồn dầu hoặc năng lượng nào khác có thể thay thế mà không khiến thế giới phải trả một cái giá đắt".

Theo FP

>> CEO sàn Bybit thẳng thừng từ chối niêm yết Pi: 'Làm ơn, đừng đùa với tôi!'

Đầu tư ‘khủng’ xây đế chế xe điện tại Ấn Độ, VinFast đang toan tính điều gì?

Trung Quốc quyết chặn Apple, BYD chuyển hướng sang Ấn Độ và Đông Nam Á, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/sieu-cuong-chau-a-rao-riet-xay-dung-chuoi-cung-ung-chong-trung-phat-cho-dau-nga-136672.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siêu cường châu Á ráo riết xây dựng chuỗi cung ứng ‘chống trừng phạt’ cho dầu Nga
    POWERED BY ONECMS & INTECH