Lộ diện hai quốc gia châu Á chịu rủi ro cao nhất trước cảnh báo áp thuế ‘ăn miếng trả miếng’ của ông Trump
Các nhà kinh tế đang cảnh báo về khả năng cuộc chiến thương mại do Donald Trump khởi xướng sẽ mở rộng sang khu vực châu Á.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, Ấn Độ và Thái Lan đứng đầu danh sách các quốc gia có nguy cơ cao nhất trước cam kết áp thuế đối ứng của ông Trump, do mức thuế họ áp dụng với hàng hóa Mỹ trung bình cao hơn đáng kể so với mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa của họ.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa làm rõ chính sách cụ thể, bao gồm những quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng và tiêu chí áp thuế đối ứng là gì.
![9f01bbb9-97cd-4b0f-8766-4358383284ba.jpeg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/12/9f01bbb9-97cd-4b0f-8766-4358383284ba.jpeg)
"Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á có mức thuế suất cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, do đó họ có nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao hơn", các nhà phân tích của Nomura Holdings do Sonal Varma dẫn đầu cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng. "Chúng tôi dự đoán các nền kinh tế châu Á sẽ đẩy mạnh đàm phán với ông Trump".
Cuối tuần trước, ông Trump đã công bố kế hoạch áp thuế đối ứng nhằm đảm bảo "sự công bằng" cho Mỹ trong thương mại quốc tế, với chi tiết dự kiến được công bố trong tuần này và có thể có hiệu lực ngay lập tức hoặc trong thời gian ngắn sau đó.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, Trump và các đồng minh của ông đã thúc đẩy các biện pháp thương mại đối ứng thông qua Đạo luật Thương mại Đối ứng của Mỹ, cho phép ông có quyền áp thuế trên từng mặt hàng đối với tất cả các đối tác thương mại.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump cũng cam kết áp dụng mức thuế đối ứng, tuyên bố rằng "nếu họ đánh thuế Mỹ, chúng tôi sẽ đánh thuế họ - ăn miếng trả miếng, thuế đổi thuế, với chính xác số tiền tương ứng".
Mối đe dọa mới này sẽ gia tăng áp lực lên các quan chức châu Á trong việc xoa dịu ông Trump và giúp nền kinh tế của họ ít bị ảnh hưởng hơn trước nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại.
Các nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất của Ấn Độ hiện đang đàm phán để mua thêm nhiên liệu từ Mỹ trước thềm hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước trong tuần này. Trong khi đó, Thái Lan đang xem xét mua thêm các sản phẩm của Mỹ, bao gồm ethane và hàng nông sản, để giảm bớt tác động từ các biện pháp thuế mới.
Theo phân tích của các chuyên gia Maeva Cousin và George Saravelos (Deutsche Bank), sự chênh lệch lớn trong mức thuế giữa Ấn Độ và Mỹ khiến quốc gia Nam Á này đặc biệt có nguy cơ bị trả đũa. Trung bình, mức thuế mà Ấn Độ áp lên hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa Ấn Độ hơn 10 điểm phần trăm.
Nếu chính quyền Trump mở rộng định nghĩa về “tính đối ứng” để bao gồm các yếu tố như thặng dư thương mại của một quốc gia với Mỹ hoặc thuế áp dụng đối với các công ty Mỹ, có thể tạo ra những tác động lớn hơn đối với tất cả các quốc gia, theo báo cáo của Saravelos.
Ảnh hưởng tiềm tàng đến thương mại châu Á
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley do Chetan Ahya dẫn đầu nhận định rằng Ấn Độ và Thái Lan có thể đối mặt với mức tăng thuế từ 4 đến 6 điểm phần trăm nếu Mỹ áp thuế để thu hẹp khoảng cách. Họ cũng chỉ ra rằng Ấn Độ có thể tăng cường mua sắm thiết bị quốc phòng, năng lượng và máy bay từ Mỹ để giảm bớt căng thẳng.
Mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào chi tiết chính sách, bao gồm việc chính quyền Trump nhắm vào mức thuế trung bình quốc gia, từng ngành công nghiệp hay sản phẩm cụ thể.
Morgan Stanley nhận định các động thái thuế quan đã "quyết liệt hơn nhiều" so với cuộc chiến thương mại đầu tiên của Trump năm 2018-2019, và căng thẳng thương mại có thể tiếp tục leo thang, với "những diễn biến trong tuần này có thể đã nâng mức độ rủi ro lên một nấc thang mới".
>> Siêu dự án 500 tỷ USD biến Mỹ thành siêu cường số 1 thế giới về AI có diễn biến mới