Siêu cường đụng độ: Hai máy bay chiến đấu áp sát, Trung – Nhật khẩu chiến
Trung Quốc cáo buộc máy bay Nhật Bản “nhiều lần” xâm nhập vùng nhận dạng phòng không, sau khi không quân Trung Quốc bị phía Nhật tố có hành vi cơ động nguy hiểm trong không phận.
Vào Chủ nhật, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lên tiếng cáo buộc máy bay trinh sát của Nhật Bản “nhiều lần” xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi phía Nhật Bản hôm thứ Năm cáo buộc một máy bay ném bom JH-7 của Trung Quốc có hành vi “tiếp cận bất thường” đối với một máy bay tình báo điện tử YS-11EB của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào ngày thứ Tư và thứ Năm.
“Những hành vi tiếp cận bất thường của máy bay quân sự Trung Quốc có thể dẫn đến va chạm ngoài ý muốn”, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cảnh báo.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Jiang Bin, khẳng định lực lượng Trung Quốc đã “hợp pháp xác định, theo dõi và giám sát” máy bay Nhật Bản một cách “chính đáng, hợp lý, chuyên nghiệp và tuân thủ tiêu chuẩn”.
“Hoạt động trinh sát và quấy rối ở cự ly gần của tàu thuyền và máy bay Nhật Bản là nguyên nhân gốc rễ gây ra rủi ro an ninh hàng hải và hàng không giữa Trung Quốc và Nhật Bản”, ông nói. Dù vậy, ông cũng bày tỏ hy vọng Nhật Bản sẽ hợp tác cùng Trung Quốc nhằm tạo dựng bầu không khí thuận lợi cho “sự phát triển ổn định” của quan hệ song phương.
Hai nước cũng từng căng thẳng vì những vụ việc tương tự hồi tháng Sáu, khi Nhật Bản cho biết một máy bay chiến đấu Trung Quốc đã bay ở cự ly cực kỳ gần với một máy bay giám sát P-3C của Hải quân Nhật trên vùng trời Thái Bình Dương.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á vẫn còn nhiều căng thẳng, đặc biệt trong các lĩnh vực thương mại và an ninh, bất chấp các nỗ lực cải thiện quan hệ như việc Trung Quốc dỡ bỏ một phần lệnh cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản.
Trong khi đó, một loạt vụ tấn công nhằm vào công dân Nhật Bản tại Trung Quốc đã khiến bầu không khí trở nên căng thẳng hơn. Theo số liệu từ Tổ chức Dịch vụ Giáo dục Hải ngoại Nhật Bản, kể từ tháng 4 năm ngoái, số lượng học sinh đăng ký vào các trường Nhật tại Trung Quốc đã giảm hơn 10%.
Hôm thứ Năm, Ngoại trưởng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã bày tỏ quan ngại sâu sắc với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về “tình hình xấu đi tại các vùng biển và không phận xung quanh Nhật Bản”.
Ông Iwaya cũng đề cập đến việc một trực thăng của lực lượng tuần duyên Trung Quốc bị cáo buộc “xâm phạm không phận Nhật Bản”, việc Trung Quốc mở rộng tầm hoạt động của các tàu sân bay và “phát triển đơn phương các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại biển Hoa Đông”.
Ông cũng tận dụng cuộc gặp bên lề tại Kuala Lumpur để bày tỏ lo ngại về “tác động đáng kể” của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm và nam châm do Trung Quốc áp đặt.
Ngoài ra, ông cũng lên án các cuộc tập trận quy mô lớn của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) quanh đảo Đài Loan, cho rằng điều này “không phù hợp” với hòa bình và ổn định khu vực.
Theo tờ Financial Times, hôm thứ Bảy, Mỹ đã gây sức ép buộc Nhật Bản và Australia phải xác định rõ vai trò của mình trong trường hợp xảy ra xung đột liên quan đến Đài Loan. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết để thống nhất.
Hầu hết các quốc gia, trong đó có Mỹ, Nhật Bản và Australia, không công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập, song cả ba đều phản đối mọi nỗ lực chiếm đảo bằng vũ lực.
Trong cuộc gặp với ông Iwaya tuần trước, ông Vương Nghị đã kêu gọi Nhật Bản “nghiêm túc tuân thủ” các thỏa thuận về Đài Loan và “đảm bảo sự thống nhất giữa lời nói và hành động”.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết quan hệ giữa hai nước “đã có sự cải thiện và phát triển”.
Trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan toàn cầu với Mỹ ngày càng căng thẳng, Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. Dẫu vậy, các nhà phân tích nhận định rằng các đồng minh của Washington vẫn sẽ tiếp tục hợp tác để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc.
Tuần trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong đã tới tham dự sự kiện Expo 2025 tại Osaka, nhân dịp này gặp gỡ các chính khách cấp cao của Nhật và bày tỏ mong muốn xây dựng một mối quan hệ “mang tính xây dựng và ổn định” giữa hai bên.
Theo SCMP
>> Siêu cường đụng độ: Nhật Bản sẽ coi Trung Quốc là 'mối đe dọa chiến lược số 1'
'Bóng ma Nhật Bản' thập niên 1990 bất ngờ bao trùm kinh tế Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra?
Quần đảo ở Nhật Bản rung chuyển vì chịu hơn 900 trận động đất liên tiếp